Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Trung tâm Y tế huyện Châu Phú chủ động trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

02:17 24/07/2022

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các côn trùng phát triển nhanh, làm lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, tập trung những nơi nhà nhiều lớp, khu dân cư, ổ dịch cũ,… Dịch xuất hiện quanh năm và hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn Châu Phú.

 

Vì vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu của y tế và ý thức của người dân mang tính quyết định. Bởi, công tác phòng, chống dịch bệnh cần phải có sự hợp tác của cả cộng đồng, sẽ không thành công nếu không có sự tham gia tích cực của người dân. Do đó, mỗi người dân chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng.

Từ đầu năm đến ngày 18/7/2022 toàn huyện ghi nhận sốt xuất huyết 1423/26/0 (sốc/mắc/chết), tăng 1.333 ca so với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch 384 ổ. Tay chân miệng 205/0, tăng 48 ca so với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch 34 ổ, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn trong vòng kiểm soát. Theo kinh nghiệm từ năm trước, ngay từ đầu năm 2022 Trung tâm Y tế đã chủ động kết hợp Phòng Y tế tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện tìm nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều giải pháp như giám sát và hỗ trợ tuyến dưới thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần, diện rộng, cấp phát tờ rơi, nói chuyện chuyên đề về bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; chỉ đạo Trạm Y tế xã tham mưu với Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn huy động các ban, ngành đoàn thể địa phương tham gia phòng, chống dịch bệnh; Trung tâm Y tế huyện khi phát hiện có ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng thì phản hồi kịp thời và xử lý đúng theo quy định; phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, xã cập nhật thường xuyên các ca bệnh tuyên truyền kịp thời để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh và khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế điều trị; tổ chức họp nhóm tại hộ gia đình để nâng cao kiến thức trong gia đình nơi có ổ dịch xảy ra để phòng ngừa nguy cơ lây lan thành dịch, mỗi người cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát công tác phòng bệnh tại các trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, hướng dẫn cách sử dụng hóa chất, các chất thay thế lau khử khuẩn và nơi rửa tay cho trẻ; giám sát cộng đồng về kiến thức người dân trong công tác phòng bệnh. Đồng thời, duy trì mô hình nhân giống cá bảy màu cấp phát cho người dân trong chiến dịch diệt lăng quăng, giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết tại địa phương như mô hình nuôi cá ở xã Bình Long.

Với nhiều giải pháp trên, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng, do đó mỗi người dân chúng ta không nên lơ là, chủ quan, mà hãy cùng với ngành y tế và chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Quan trọng là giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng vì môi trường sống là rất quan trọng trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Và đặc biệt, cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn, cần uống nước đã được đun sôi để nguội, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng phòng, chống các bệnh, nếu trong gia đình hoặc nơi sinh sống có người mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng dễ gây thành ổ dịch, người dân cần thông báo với chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất để có biện pháp phòng, chống cũng như dập dịch kịp thời. Ngoài các bệnh như: Thủy đậu, rubella, sởi, viêm não Nhật Bản,... đã có thuốc phòng ngừa thì bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chủ động phòng, chống dịch bệnh của mỗi người dân đóng vai trò hết sức quan trọng và là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và kiềm chế tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng từ nay đến cuối năm, Trung tâm Y tế huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể phối hợp với y tế thực hiện tốt các đợt chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng nhằm hạ thấp nguy cơ truyền bệnh; đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí phun thuốc ca độ I, phun thuốc dập dịch diện rộng và kinh phí để thực hiện các đợt vệ sinh môi trường diệt lăng quăng; Uỷ ban Nhân dân các xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí thực hiện vệ sinh môi trường hàng tuần tại các nơi ổ dịch cũ có nguy cơ cao; kiện toàn và duy trì ổn định mạng lưới cộng tác viên tham gia phòng, chống sốt xuất huyết, thành lập tổ xung kích diệt lăng quăng ở các xã, thị trấn để thực hiện cũng như hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước và diệt lăng quăng, tăng cường kiểm tra, đánh giá hoạt động của đội xung kích để đảm bảo hoạt động thực chất và có hiệu quả; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội chủ động thực hiện và tham gia vận động người dân tham gia phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là diệt lăng quăng; xây dựng kế hoạch chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường một tuần/lần tại các địa phương theo thoe dự báo dịch của huyện; tăng cường công tác giám sát muỗi, lăng quăng, giám sát xử lý dịch tuyến dưới triệt để hơn, chỉ đạo và hỗ trợ công tác chống dịch tại các điểm nóng, tổ chức phun hóa chất dập dịch diện rộng chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn cho cộng đồng về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện, xã, truyền thông tại các trường, nhà trẻ, mẫu giáo,... Hướng dẫn các trường, chủ yếu nhà trẻ, mẫu giáo thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; thực hiện tốt việc giám sát, điều tra phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Triển khai tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, đảm bảo 100% các hộ gia đình và các phòng, các tầng trong nhà được phun theo chỉ định và phun 2 đến 3 lần cách nhau từ 7 đến 10 ngày để xử lý triệt để ổ dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan, bùng phát trên diện rộng. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, hóa chất, máy móc, phương tiện đảm bảo khi có dịch xảy ra triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.

Bs. Nguyễn Công Nghi

Phòng KH-NV, TTYT Châu Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang