Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Nhìn lại hoạt động truyền thông ở tuyến huyện

10:34 10/10/2022

Truyền thông giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu. Với phương châm truyền thông chủ động đi trước một bước, nhằm cung cấp thông tin y tế, trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, thay đổi những lối sống và thói quen có hại cho sức khỏe.

TT-GDSK là hoạt động mang tính xã hội. Nội dung của nó bao gồm tất cả vấn đề liên quan đến sức khỏe thế chất, tinh thần và xã hội. Để đạt được hiệu quả tốt, hoạt động truyền thông ở tuyến huyện phải đa dạng trên nhiều kênh khác nhau. Đó là truyền thông gián tiếp trên thông tin đại chúng. Cụ thể cần phải thực hiện: 01 bài phát thanh/ tuần; 01 bài phát biểu, phỏng vấn/ tháng; 01 phóng sự/ quý hoặc 6 tháng; 3-4 bài gởi đăng tải trên báo An Giang, cổng thông tin điện tử/ tháng. Như vậy, có cả trăm thông điệp gián tiếp được chuyển tải hàng năm. Còn truyền thông trực tiếp thì triển khai thông qua thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, tư vấn sức khỏe, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép qua các buổi họp. Về chủ đề thì rất đa dạng: Phổ biến kiến thức vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh không lây nhiễm, sơ cấp cứu ban đầu, tiêm chủng, rèn luyện thân thể,… nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Chương trình còn phối hợp với các ban ngành tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch; ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, phòng chống bệnh tật học đường; tai nạn thương tích, bảo hiểm y tế… và phối hợp tham gia nhiều hoạt động phong trào khác. Bên cạnh đó, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đầu năm 2020, thì chương trình đã đi trước một bước là lên kế hoạch tập huấn, tổ chức nói chuyện chuyên để phổ biến kiến thức về phòng chống cho ban ngành và cả cộng đồng. Từ đó đến nay, hàng chục bài tuyên truyền, khuyến cáo, câu chuyện truyền thanh, phỏng vấn, phóng sự cũng như các chủ trương, chính sách … về lĩnh vực y tế trong phòng chống dịch được chương trình thực hiện đều đặn hàng tuần, thàng tháng trên thông tin đại chúng. Khi tình hình dịch COVID nóng bỏng thì tham gia trực khai báo, khu cách ly; truy vết, thử test nhanh, hỗ trợ công tác tiêm ngừa; vì vậy họ cũng nguy cơ nhiễm bệnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, từ khi TT-GDSK gom về một đầu mối, thì công tác này tại bệnh viện có chuyển biến tích cực cả hình thức lẫn nội dung. Các hoạt động truyền thông, tư vấn sức khỏe được cán bộ truyền thông phổ biến, hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh; các chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh. Các hoạt động này thực hiện tại bệnh viện thông qua phát thanh, chiếu phim, cấp tờ bướm, họp hội đồng người bệnh và những lúc khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh; hướng dẫn, trao đổi giúp người bệnh hợp tác vào việc chữa bệnh. Từ đó thúc đẩy đến sự hài lòng của bệnh nhân, giúp họ tuân thủ theo hướng dẫn điều trị và đương đầu với những khó khăn về mặt tâm lý để mang đến kết quả điều trị tốt nhất. Ngoài ra, chương trình cũng xây dựng kế hoạch để các khoa, phòng phối hợp với đài phát thanh thực hiện phát biểu, phỏng vấn về chuyên mục y tế để hàng tháng chia sẻ, tư vấn các thông tin về cách phòng chống bệnh tật. Nhìn chung, tuy hoạt động TT-GDSK không thay thế được các dịch vụ CSSK trong điều trị, nhưng nó góp phần nâng cao hiệu quả của các dịch vụ và giảm được phần nào gánh nặng cho hệ điều trị.

Tuy nhiên, đánh giá sự đóng góp của chương trình mỗi người cảm nhận ở cung bậc khác nhau, nhưng nhìn chung là chưa được ghi nhận một cách đầy đủ. Có một số ít người chưa hiểu rằng giáo dục sức khỏe là một quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, nó tác động đến ba lĩnh vực: kiến thức, thái độ của đối tượng đối với vấn đề sức khỏe và hành vi ứng xử của đối tượng để giải quyết vấn đề sức khỏe, bệnh tật. Như vậy, muốn tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật cần phải thay đổi các yếu tố trên. Bởi lối sống là sự tập hợp các hành vi liên quan đến sức khỏe như thực hành vệ sinh cá nhân, thói quen ăn uống, tập quán sinh hoạt trong cộng đồng, giao lưu xã hội. Trong khi đó, có những hành vi đã trở thành nếp sống qua nhiều thế hệ, trở thành phong tục tập quán, được nhiều người chia sẻ trong cộng đồng và duy trì thực hiện trong thời gian dài. Nhiều vấn đề trở thành niềm tin và là lối sống đặc trưng của khu vực dân cư. Như vậy khi người dân đã có kiến thức, muốn thay đổi được hành vi đòi hỏi phải có thời gian nhất định.

Hiện tại, thực trạng nhân lực TT-GDSK tuyến huyện còn thiếu. Nếu trước năm 2017 duy trì được 4 cán bộ, nhưng khi thành lập Trung tâm Y tế hai chức năng chỉ còn 02, thậm chí có nơi chỉ có 01, nên trong hoạt động phải chạy đua với công việc. Cơ cấu tổ chức thì chưa đồng nhất, mỗi nơi mỗi khác. Trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu như projector, loa truyền thông lưu động… Kinh phí cho hoạt động truyền thông chưa được đầu tư đúng mức để đáp ứng so với nhu cầu nhiệm vụ, chủ yếu dựa vào sự phối hợp các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Đây chính là 2 chỉ tiêu rào cản khi thực hiện Bộ Tiêu chí chất lượng. Cán bộ chương trình ít được đào tạo bài bản về chuyên môn, công tác tập huấn để phối hợp chưa được quan tâm. Đơn cử như các chương trình thường tập huấn cán bộ chuyên trách, nhưng khi thực hiện lại đòi hỏi có sự phối với TT-GDSK, đó cũng là tiêu chí khi các đoàn xuống kiểm tra, giám sát. Một điều nữa là chương trình này tương đối khó làm, có nhiều vấn đề không theo bài vỡ mà thuộc về năng khiếu và đòi hỏi phải thuần thục các kỹ năng cá nhân, nhưng thu nhập lại thấp so với các vị trí công tác khác. Do đó, xét về khía cạnh tâm lý, có một số cán bộ rất ngán ngại khi được phân công làm TT- GDSK./.

Ys. Nguyễn Minh Thời - TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang