Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc Whitmore ở Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương.
"Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2-21ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện", GS.TS Nguyễn Văn Kính cho Báo SKĐS biết.
Cũng theo GS. Kính, bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh, mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề, đơn cử như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi - gây tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu, của bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán.
Bệnh Whitmore có diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Trong số các ca mắc bệnh Whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa số bệnh nhân này có nguy cơ có biến chứng sốc nhiễm khuẩn và có thể tử vong.
Ở trẻ chẩn đoán tương đối dễ hơn, vì thường có biểu hiện là sưng tuyến mang tai, nhiễm khuẩn huyết, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp có thể gặp ở phổi, cơ, bàng quang...
Quá trình điều trị cho bệnh nhân Whitmore lại hết sức khó khăn do phải sử dụng kháng sinh tấn công liều cao trong ít nhất khoảng 2 tuần và sau đó duy trì tiếp tục từ 3-6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong.
Không lây từ người sang người
Có ý kiến cho rằng Whitmore là bệnh hiếm, bệnh lạ, bệnh quay lại sau nhiều năm vắng bóng. Về vấn đề này, chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, bệnh Whitmore không phải là hiếm, mà là bệnh thường xuyên có mặt, tuy nhiên không gây ra dịch và không lây truyền từ người sang người.
Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp, vi khuẩn này lại luôn có trong bùn đất, nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh. Đặc biệt, những người lao động có tiếp xúc với bùn đất cần có các dụng cụ bảo hộ lao động, những người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động.
Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng như sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Làm sao để biết mình có mắc bệnh hay không? Theo BS. Nguyễn Quốc Thái (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai), để phát hiện một người có nhiễm trực khuẩn Whitmore hay không thì bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn. Tìm ra được vi khuẩn sẽ là bằng chứng chắc chắn nhất của nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore.
Thông thường, người ta sẽ nuôi cấy máu để xem vi khuẩn Whitmore có mọc lên trong mẫu máu đấy hay không. Hoặc cũng có thể lấy các mẫu bệnh phẩm khác (ví dụ nếu bệnh nhân có tổn thương ở phổi, có khối áp xe ở phổi thì các bác sĩ sẽ lấy dịch áp xe) để nuôi cấy. Nếu trực khuẩn Whitmore mọc lên từ mẫu bệnh phẩm đấy thì chúng ta có thể chẩn đoán là bệnh Whitmore.
Nếu phát hiện trực khuẩn Whitmore trong máu thì đó là nhiễm trùng máu, trong dịch khớp đó là viêm mủ khớp do vi khuẩn Whitmore, hoặc nếu phát hiện ổ áp xe ở cơ thì đó là thể bệnh áp xe cơ… Trong đó nguy hiểm nhất là thể nhiễm trùng máu, thậm chí nặng nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, tiên lượng xấu, bệnh nhân dễ tử vong.
Phòng bệnh thế nào?
Vi khuẩn Whitmore có sẵn trong đất. Thêm vào đó, khi gió cuốn bụi lên thì con người dễ hít phải vi khuẩn Whitmore và chúng nằm sẵn trong phổi chờ khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu sẽ phát triển lên. Cao điểm của các ca bệnh Whitmore thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7-11.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường hơn nữa các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt sẽ tránh được nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương.
Ngoài ra, khi phát hiện thấy có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm.
BT
|