
1. Chẩn đoán ĐTĐ như thế nào?
Người bệnh được chẩn đoán ĐTĐ khi có 1 trong những yếu tố sau: chỉ số đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay ≥ 7 mmol/L) hoặc chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L) hoặc chỉ số đường huyết bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L) kèm theo những triệu chứng: ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, mệt mỏi nhiều.
2.Bệnh lý bàn chân ĐTĐ là gì?
Bệnh lý bàn chân ĐTĐ xảy ra khi bệnh nhân không kiểm soát được lượng glucose máu trong giới hạn bình thường gây tổn thương thần kinh và mạch máu ngoại biên, làm giảm cảm giác bàn chân dẫn đến người bệnh dễ gặp chấn thương và nhiễm trùng.
Bệnh lý mạch máu: Bàn chân ĐTĐ là điển hình và phổ biến hơn so với ở tay vì chân là vị trí xa tim nhất trong cơ thể nên khả năng tưới máu sẽ kém hơn và tình trạng tắc mạch cũng dễ xảy ra hơn so với bàn tay. Việc tưới máu kém làm bàn chân trở nên xanh nhợt khi đưa chân lên cao 45 độ, da vùng chân lạnh và trở nên bóng nhẫy, mất hết lông ở bàn chân và ngón chân, móng bị dày lên và có nấm móng.
Biến chứng thần kinh ở bàn chân: Biến chứng thần kinh cảm giác làm giảm khả năng cảm nhận ở bàn chân như đau, nóng, lạnh. Do đó, người bệnh không thể nhận biết được bàn chân của mình bị tổn thương dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng và nặng lên. Tổn thương bàn chân bắt đầu ở những ngón chân, đốt ngón và gót chân vì đây là nơi bị tì đè và chịu trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Bên cạnh đó, hệ thần kinh tự chủ bị ảnh hưởng gây giảm tiết mồ hôi và khô da, nếu không được điều trị da bàn chân của người bệnh sẽ dày lên, dễ bị chấn thương, dễ hình thành những cục chai, ổ loét, nhiễm trùng và hoại tử. Ngoài ra, biến chứng trên thần kinh vận động làm teo và yếu cơ chân, gây các cơn đau âm ỉ, co cứng như bị chuột rút, thường xảy ra ở bắp chân khi bệnh nhân đi bộ và hết đau khi đứng lại, cơn đau xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm và hết đau một cách đột ngột.
3.Cách theo dõi, chăm sóc bàn chân ĐTĐ tại nhà
Tất cả bệnh nhân ĐTĐ cần phải biết theo dõi bàn chân tại nhà theo cách sau:
Chọn nơi có đầy đủ ánh sáng để quan sát bàn chân một cách toàn diện. Bắt đầu quan sát từ phần mu chân và những ngón chân xem da có dày lên và bóng nhẵn không, phần cơ có bị teo không. Sau đó, quan sát thật kĩ những kẻ ngón và phần lòng bàn chân xem có những tổn thương do bị dị vật sắt nhọn gây ra không như các vết loét, nốt phỏng, nốt chai, kiểm tra sự phát triển của móng chân có bất thường hay không, móng có quặt vào trong hay không… Nên so sánh 2 chân với nhau, khi bàn chân thay đổi hình dạng và có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì cần đi khám ngay. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.
Sờ da vùng mu chân và lòng bàn chân để đánh giá là ấm hay lạnh. Nếu bàn chân lạnh chứng tỏ tình trạng máu lưu thông kém, lúc này bệnh nhân nên được người nhà xoa bóp bàn chân nhẹ nhàng để giúp máu đến chân tốt hơn.
Những lưu ý dành cho bệnh nhân để phòng ngừa bệnh lý bàn chân ĐTĐ:
Người bệnh nên đi dép trong nhà để tránh dị vật gây tổn thương bàn chân do mất cảm giác; không mang giày dép quá chật vì dễ gây phồng rộp da; chọn thời điểm mua giày vào buổi chiều vì lúc này kích cỡ bàn chân ổn định nhất, không được đi giày mới cả ngày vì giày mới khá cứng sẽ gây tổn thương ở gót và ngón chân;
Ngoài ra, người bệnh cần vệ sinh bàn chân sạch sẽ; rửa chân bằng nước ấm (khoảng 370C là tốt nhất) và massage chân nhẹ nhàng để giúp tình trạng lưu thông máu được tốt hơn, luôn kiểm tra nhiệt độ nước rửa chân không được để nước quá nóng hoặc quá lạnh (nên trang bị nhiệt kế để kiểm tra chính xác nhiệt độ nước) và lau chân khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm; không cắt móng chân quá sát vì dễ gây tổn thương.
Tình trạng tổn thương thần kinh làm da chân khô, nứt nẻ, dễ bị nhiễm trùng nên người bệnh cần sử dụng các loại kem giữ ẩm như vasaline, mỡ trăn,…(chú ý không bôi kem vào kẽ ngón chân vì khu vực này ẩm ướt sẽ dễ làm phát sinh nấm kẽ chân).
Biến chứng của bệnh lý bàn chân ĐTĐ để lại trên bệnh nhân là vô cùng nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm thì sẽ dẫn đến nguy cơ đoạn chi, gây tàn tật vĩnh viễn trên bệnh nhân ĐTĐ. Tuy nhiên, bệnh lý bàn chân ĐTĐ có thể phòng ngừa được nếu bệnh nhân biết cách theo dõi và chăm sóc bàn chân ĐTĐ tại nhà. Ngoài ra, bệnh nhân ĐTĐ cần uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, thay đổi lối sống và luyện tập thể thao phù hợp để kiểm soát tốt nồng độ glucose máu trong cơ thể, giúp người bệnh vẫn làm việc bình thường, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm được gánh nặng chi phí cho gia đình và xã hội./.
Bs Trần Thị Phương Khanh
Khoa PC Bệnh không lây nhiễm, TTKSBT An Giang
|