1. Có phải người bệnh đái tháo đường nhiễm vi rút COVID-19 dễ gặp biến chứng?
Người mắc bệnh đái tháo đường khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thường có triệu chứng nặng hơn, biến chứng nặng hơn và dễ tử vong hơn so với người bình thường. Các nguyên nhân chính khiến người bệnh đái tháo đường dễ bị biến chứng nặng:
- Do hệ thống miễn dịch của người bệnh đã bị tổn hại, khiến việc chống lại vi rút khó khăn hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn.
- Vi rút có thể phát triển mạnh hơn trong môi trường đường huyết tăng cao. Hơn nữa, khi nhiễm vi rút cơ thể cố gắng chống lại bệnh bằng cách giải phóng đường dự trữ để cung cấp năng lượng do đó đường trong máu tăng lên.
- Ngoài ra, người đái tháo đường thường có nhiều biến chứng, nhiều bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, các nhiễm trùng khác,… làm nặng thêm bệnh.
Đó chính là lý do mà người bệnh đái tháo đường cần phải thận trọng hơn và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
2. Do vậy, những bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý những vấn đề sau:
- Duy trì thói quen tốt: tập thể dục đều đặn, thường xuyên; luôn ngủ đủ giấc, tránh thức khuya; tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Chế độ ăn phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế tối đa các loại thức ăn chứa nhiều đường và chất béo. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước mỗi ngày.
- Uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ; kiểm tra đường huyết theo quy định; tái khám và tư vấn đúng hẹn.
- Ngoài ra, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, ngoài khuyến cáo chung với việc thực hiện 5K, những người mắc đái tháo đường cần thực hiện tốt những biện pháp dưới đây trong sinh hoạt hằng ngày:
+ Rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn.
+ Tránh tụ tập nơi đông người, tránh xa những nơi có nhiều người lạ. Nếu phải đi ra ngoài tránh sử dụng giao thông công cộng, thay quần áo, rửa tay ngay khi về nhà.
+ Làm sạch và khử trùng mọi bề mặt vật thể thường xuyên chạm vào.
+ Hạn chế chạm tay lên mũi, miệng, mắt.
+ Không chia sẻ thức ăn, không dùng chung kính, khăn, dụng cụ...
+ Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh về đường hô hấp như ho, hắt hơi, nghi ngờ nhiễm vi rút.
+ Nếu có các triệu chứng giống cúm (ho, hắt hơi, sổ mũi, người mệt mỏi...) hãy liên lạc với số điện thoại cần thiết để được hỗ trợ về y tế.
- Do tình trạng giãn cách xã hội, để ngăn sự lây lan dịch trong giai đoạn này, mọi lịch hẹn kiểm tra thường quy nên được trì hoãn cho tới khi tình hình dịch trở về bình thường, người bệnh đái tháo đường phải tái khám lại ngay.
- Trong thời gian chờ tái khám vẫn phải uống thuốc theo đơn, cần liên lạc với bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm về cách tự theo dõi bệnh và thực hiện đơn thuốc.
Có thể thấy, người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 luôn có những nguy cơ phức tạp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hiểm tính mạng. Do vậy, ngoài việc tuân thủ điều trị, chế độ ăn và tập luyện còn phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đồng thời giữ tâm lý thoải mái, lạc quan, tránh những lo âu và phiền muộn không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân./.
ThS Thái Hoàng Để Trung tâm Y tế huyện An Phú
|