Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Cần làm gì để phòng, chống đuối nước ở trẻ

08:59 23/08/2021

Trong cuộc sống, những tai nạn luôn rình rập quanh ta, đặc biệt là đuối nước luôn là nỗi ám ảnh, bởi nó có thể cướp đi sinh mạng của con người bất cứ lúc nào. Đuối nước là một dạng của ngạt do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Ngạt nước khiến nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ dẫn tới thiếu o xy máu và tử vong.

Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước trên toàn cầu, là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 4-15 tuổi. Còn tại Việt Nam, theo ước tính, mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Nguyên nhân của hiện tượng này được đánh giá là do sự sơ suất, chủ quan, thiếu cẩn thận, thiếu kĩ năng phòng tránh đuối nước của con người. Điều này đặc biệt thường xảy ra ở nông thôn, nơi mà trẻ em, thanh thiếu niên thường xuyên có hoạt động tắm sông, tắm ao nhưng lại chưa được trang bị kỹ năng bơi lội, phòng tránh, sơ cứu đuối nước. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ cũng có thể bị ngạt nước ngay tại nhà do ngã vào lu, chậu nước, bồn cầu hoặc ngã xuống ao hồ, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… khi mải chơi, chạy nhảy trên bờ. Có nhiều trường hợp bị ngạt nước được sơ cứu kịp thời, nhưng thật đáng tiếc không đúng cách nên để lại di chứng về sau, ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói và sự phát triển của trẻ. Nhìn chung, hậu quả của tai nạn trên chính là sự thiệt hại về cả tiền bạc, sức khỏe lẫn tính mạng con người.

Chính vì thế, để đánh dấu ngày thế giới phòng chống đuối nước lần đầu tiên được phát động, WHO và Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu đã đưa ra cảnh báo nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của đuối nước đối với gia đình và cộng đồng. Còn ở Việt Nam, để hưởng ứng lần đầu tiên đã đưa ra thông điệp “Bất kỳ ai cũng có nguy cơ đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống”. Vì vậy, việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Hiện nay, hệ thống khung pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Ngày 19 tháng 07 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/ QĐ-TTg phê duyệt Chương tình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu giảm 20% trẻ tử vong do đuối nước. Những can thiệp dựa trên bằng chứng như dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước sẽ được áp dụng triển khai trên toàn quốc.

Điều quan trọng nhất hiện nay trong thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt sắp vào mùa nước nổi, theo khuyến cáo là cầ đề cao vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ, giám sát con, em mình. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phối hợp nhà trường trang bị đầy đủ cho con trẻ các kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu đuối nước và kỹ năng dưới nước. Có như vậy mới hạn chế và không xảy ra những vụ đuối nước đau lòng ở trẻ em./.

                                                                                                       Nguyễn Minh Thời

                                                                                                         TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang