Ngộ độc thực phẩm: Ngày Tết, nhiều gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm để ăn dần. Do bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn hay nhiễm hóa chất. Việc lưu trữ thức ăn lâu ngày cũng làm thực phẩm bị biến chất hoặc trong bản thân thực phẩm có chứa chất độc, nên có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Biểu hiện thường thấy của ngộ độc thực phẩm là nôn ói, tiêu chảy. Tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước nhanh chóng nên rất nguy hiểm. Để phòng bệnh nên sử dụng thực phẩm tươi, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh. Nếu sử dụng các loại thực phẩm đóng gói, nên chọn cơ sở uy tín và tin cậy. Nên nấu lại đồ ăn đóng hộp trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
Ngộ độc rượu: Thời điểm trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể do uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp. Biểu hiện ngộ độc rượu là nôn mửa, đau bụng, phản ứng chậm, đi đứng xiêu vẹo, giảm khả năng nghe, nhìn, ngửi. Ngoài ra, trí nhớ giảm sút, thiếu kiềm chế. Nếu ngộ độc nặng có thể dẫn đến bất tỉnh, xanh tái, tử vong. Để phòng tránh, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu không rỏ nguồn gốc, rượu không có tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Đầy bụng, khó tiêu, táo bón: Chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón là vấn đề mà rất nhiều người mắc phải trong dịp Tết khi ăn quá nhiều nhiều chất đạm và chất béo, ít chất xơ. Bên cạnh đó, các loại nước ngọt, nước khoáng có gas, bia rượu, các thực phẩm có mạch nha, đồ ăn có dấm, các loại dưa muối, nấm, phô mai… khiến bộ máy tiêu hóa bị quá tải và càng làm tình trạng đầy bụng nặng hơn. Để phòng tránh tốt nhất ăn thêm nhiều Rau, củ, quả tươi giàu chất xơ…. Cần ăn thêm sữa chua; đây là loại men tiêu hóa tựnhiên rất tốt cho đường ruột, trong việc phòng tránh đầy bụng, táo bón.
Bệnh tiểu đường: Với những người mắc bệnh tiểu đường mà chế độ ăn ngày Tết nhiều chất đạm, bánh mứt, cộng thêm rượu bia và nước ngọt rất dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao đột biến. Để phòng bệnh trong những ngày Tết, người bị tiểu đường cần tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, các loại gia vị, đồ uống có ga, rượu bia, chất kích thích… Không sử dụng các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như: đồ hộp như xúc xích, mì gói, gà rán.
Cao huyết áp và đột quỵ
Cao huyết áp và đột quỵ là hai bệnh rất dễ mắc phải trong dịp Tết bởi việc ăn uống, sinh hoạt thay đổi. Để phòng bệnh cần hạn chế tăng cân trong những ngày Tết, hạn chế món ăn chế biến sẵn bởi đây là những thực phẩm có nhiều muối như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối… Hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia.. Ngoài chế độ ăn uống, người bị cao huyết áp cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya. Đặc biệt người có bệnh tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ và kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Ngoài chế độ ăn uống cân bằng, đều độ, duy trì tốt chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi; cần chú ý mặc đủ ấm, nhất là những ngày thời tiết giá lạnh, đặc biệt là không ra ngoài trời khi mới vừa uống rượu, bia… để đề phòng cảm lạnh./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên
|