Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Điều cần biết về bệnh cúm A(H5N1)

04:06 06/03/2023

Cúm A(H5N1) là một bệnh truyền nhiễm lây từ gia cầm sang người. Bệnh lây truyền do người bệnh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm đã bị bệnh, do ăn các sản phẩm chế biến từ gia cầm bị bệnh, thức ăn chưa được nấu chín như các món tái, tiết canh, … hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mà không mặc đồ bảo hộ.

Bệnh cũng lây qua bàn tay bẩn, thức ăn, nước uống khác bị nhiễm vi-rút. Vi-rút gây bệnh có độc lực rất cao, có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp như có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 40C. Ở nhiệt độ 370C nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm. Tuy nhiên vi rút  bị giết chết ở 560C trong 3 giờ và 600C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin.

Người mắc bệnh cúm A(H5N1) thường có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 8 ngày. Các dấu hiệu ban đầu thường sốt cao trên 38 độ C, kèm theo ho, đau họng, đau đầu mệt mỏi. Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy, ói, đau bụng, chảy máu cam. Trong trường hợp nặng khó thở tiến triển rất nhanh, gây suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời

Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị đặc hiệu cho người. Vì vậy phòng bệnh là biện pháp tốt nhất mà mọi người cần thực hiện. Cụ thể như: Vệ sinh ăn uống: Rửa tay bằng xà bông và nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với gia cầm; không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh. Chỉ ăn ăn thịt, sản phẩm từ gia cầm, thủy cầm có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch. Nấu chín kỹ mới ăn; không ăn tiết canh đặc biệt là tiết canh gà, vịt. Ngoài ra cần hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh như tránh tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh, đặc biệt đối với những người mắc bệnh mạn tính; không vận chuyển, mua bán gia cầm mắc bệnh; khi cần tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, kính, mũ, áo, giày, găng tay, rửa tay bằng xà bông hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.

Khi thấy gia cầm chết hàng loạt cần báo ngay cho cơ quan chức năng và thấy có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

                                                                                         Nguyễn Minh Thời

                                                                                           TTYT Tịnh Biên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh