Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh liên cầu khuẩn lợn

04:33 23/03/2023

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, Bệnh thường gặp ở lợn nhà và có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.

Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, qua các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn. Bệnh thường gặp ở người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Một số loài vật và côn trùng có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Biểu hiện chính của bệnh cảnh là viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run.... Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ta  nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Khi phát hiện có dịch liên cầu lợn xảy ra thì phải xử lý đúng như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm như: Tăng cường giám sát để  phát hiện các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn; không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết mà phải tiêu hủy đúng cách; phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn chuồng trại. Đặc biệt là thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm dịch quốc tế khi xuất, nhập lợn qua biên giới để không đưa mầm bệnh từ nước ngoài vào và ngược lại./.

                                                                                               Nguyễn Minh Thời

                                                                                                 TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang