Theo thống kê, trên thế giới, mỗi phút có một triệu chai nhựa được bán ra, năm nghìn tỷ túi nhựa được sử dụng mỗi năm. Một nửa trong số các sản phẩm nhựa là được thiết kế với mục đích chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ. Một xu hướng đáng lo ngại đã và đang diễn ra là tỷ lệ sản xuất sản phẩm nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ các loại vật liệu nào khác. Theo tính toán, nếu tiếp tục giữ đà gia tăng như vậy, sản lượng sản phẩm nhựa toàn cầu sẽ đạt 1.100 triệu tấn vào năm 2050. Theo đó, xu hướng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần cũng gia tăng ở mức độ đáng báo động, bởi đối với nhiều người, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Rác thải nhựa được thải ra môi trường từ nhiều nguồn khác nhau như phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người, bao gồm túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa; từ hoạt động công nghiệp ở nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… trong cả quá trình sản xuất, thi công; từ các điểm buôn bán, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn và điều đặc biệt do đặc thù của ngành y tế là sử dụng đồ dùng 1 lần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, quy định nghiêm ngặt về an toàn, nên lượng rác thải nhựa từ y tế là rất lớn. Các loại rác thải từ y tế gồm: túi nilon, bao gói vật tư thiết bị y tế, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất hay kim tiêm, găng tay, chai, lọ, thuốc… Hầu hết, rác thải nhựa có thời gian phân hủy dài, có khi lên đến cả 100 năm thậm chí 1000 năm. Khi phân hủy, chúng rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… Nó có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, hấp thụ và tích tụ trong các cơ quan. Người ta đã tìm thấy được hạt vi nhựa trong phổi, gan, lá lách và thận của cơ thể người. Gần đây đã có một nghiên cứu phát hiện những hại vi nhựa trong nhau thai của trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt sẽ tạo ra khí dioxin và fura… gây khó thở, rối loạn tiêu hoá, làm tăng khả năng ung thư cũng như gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe cộng đồng. Còn khi xử lý bằng cách chôn lấp sẽ tồn tại cả trăm năm dưới đất. Lúc này sẽ các hạt vi nhựa bị phân rã sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, hoặc gây ra thay đổi tính chất vật lý của đất, làm đất không giữ được nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh. Việc sinh vật biển chứa nhiều mảnh vi nhựa, cũng là nguyên nhân gây phá hủy hay suy giảm đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển. Còn với những rác thải nhựa do bị vứt hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, hồ, sông… sẽ làm thu hẹp diện tích ao, hồ, sông gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người.
Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa là chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2023, nhằm tập trung vào các giải pháp đối với ô nhiễm nhựa. Tại Việt Nam, thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, nhiều mô hình, sáng kiến thiết thực chống rác thải nhựa đã được triển khai. Vì vậy, trong mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và hành động cụ thể bằng việc thay đổi thói quen, nói không với sản phẫm nhựa dùng một lần thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt và làm việc./.
YS. Nguyễn Minh Thời
TTYT TX Tịnh Biên
|