Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Trước hết, nước ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ chết ở người mẹ giảm mạnh, mức độ giảm đã vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, được quốc tế công nhận và đánh giá cao.
Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015).
Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong hơn 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2020). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990.
Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.
Đặc biệt, thành công của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4).
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển nhanh và bền vững; tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp Nhân dân để hoàn thành mục tiêu về dân số và phát triển, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã ban hành hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới.
Theo đó, các hoạt động tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những định hướng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới; tổ chức có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số tại cơ sở, góp phần giải quyết đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Tuyên truyền, vận động, tạo phong trào luyện tập thể dục, thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi gắn với việc nâng cao kỹ năng tự chăm sóc và dự phòng rủi ro bệnh tật của người cao tuổi. Vận động thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, biên giới, vùng biển và ven biển.
Tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện có thiên tai, dịch bệnh; về tác hại của phá thai; về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên/thanh niên. Đồng thời chú trọng giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển; về sự cần thiết của việc cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, đảm bảo an ninh hàng hóa các phương tiện tránh thai, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ; về sự thuận tiện của việc mua và sử dụng các phương tiện tránh thai thông qua tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ./.
Ds. Trần Văn Chí - TTYT Phú Tân
|