
Thế giới hiện đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới của bệnh nhiễm trùng viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến trẻ em. WHO cùng với các nhà khoa học và hoạch định chính sách ở các quốc gia bị ảnh hưởng, đang làm việc để tìm hiểu nguyên nhân của sự lây nhiễm dường như không thuộc về bất kỳ loại vi-rút viêm gan nào trong số 05 loại vi-rút viêm gan đã biết như: A, B, C, D và E. Đợt bùng phát mới này tập trung vào hàng nghìn ca nhiễm vi rút viêm gan cấp tính xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn mỗi năm. Hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan cấp tính đều gây ra bệnh nhẹ và thậm chí không bị phát hiện. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể dẫn đến các biến chứng và gây tử vong. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ước tính có khoảng 78 000 ca tử vong trên toàn thế giới do biến chứng của nhiễm trùng viêm gan tử A đến E. Các nỗ lực toàn cầu ưu tiên loại bỏ các bệnh nhiễm trùng viêm gan B, C và D. Không giống như viêm gan siêu vi cấp tính, 03 bệnh nhiễm trùng này gây ra bệnh viêm gan mãn tính kéo dài trong vài thập kỷ và đỉnh điểm là hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm do xơ gan và ung thư gan. 03 loại viêm gan mãn tính này là nguyên nhân của hơn 95% các ca tử vong do viêm gan. Mặc dù chúng ta có hướng dẫn và công cụ để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm gan vi-rút mãn tính, nhưng các dịch vụ này thường không tiếp cận được với cộng đồng và đôi khi chỉ được cung cấp tại các bệnh viện trung ương hoặc chuyên khoa.
WHO nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa dịch vụ chăm sóc viêm gan đến gần các cơ sở y tế ban đầu và cộng đồng hơn để mọi người có cơ hội tiếp cận điều trị và chăm sóc tốt hơn, bất kể họ mắc bệnh viêm gan nào. WHO đặt mục tiêu đạt được loại trừ bệnh viêm gan vào năm 2030. Để đạt được điều đó, WHO kêu gọi các quốc gia đạt được các mục tiêu cụ thể: Giảm 90% các ca nhiễm mới viêm gan B và C; Giảm 65% các ca tử vong liên quan đến viêm gan do xơ gan và ung thư; Đảm bảo rằng ít nhất 90% người nhiễm vi-rút viêm gan B và C được chẩn đoán và ít nhất 80% những người đủ điều kiện nhận được sự điều trị thích hợp.
Phòng chống bệnh viêm gan siêu vi B do lây truyền từ mẹ sang con: Bệnh Viêm gan vi-rút B lây truyền chủ yếu qua đường máu và đường tình dục. Đường lây truyền vi-rút viêm gan B qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể như: dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu.....Vi-rút viêm gan B không lây truyền qua tiếp xúc thông thường như: hắt hơi, sổ mũi hoặc ăn uống chung. Nhiều người bị mắc bệnh từ lúc mới sinh do vi-rút viêm gan B lây truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang thai nhi qua đường máu. Nếu không được tiêm chủng khi mới chào đời thì 90% số bé được sinh ra từ người mẹ mang mầm bệnh sẽ trở thành người mang mầm bệnh suốt đời. Trong đó, có khoảng 25% số bé trên sẽ chết vì xơ gan hoặc ung thư gan về sau.
Cách phòng lây nhiễm viêm gan siêu vi B: Đường lây truyền của vi-rút viêm gan B chủ yếu qua đường máu và đường quan hệ tình dục. Cho nên, cần phải có sự vô trùng tuyệt đối trong các động tác tiêm truyền các loại dịch và thuốc để chữa bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc truyền máu. Thực hiện tình dục an toàn như hạn chế các bạn tình, sử dụng bao cao su,... Kế đến là việc thực hiện xét nghiệm máu để xem cơ thể đã có kháng thể kháng lại vi-rút viêm gan B chưa? Nếu chưa có nên thực hiện việc tiêm vắc xin theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Đối với trẻ em, tiêm chủng vắc xin viêm gan B (HBV) ngay từ lúc mới sinh là biện pháp phòng bệnh sớm nhất và hiệu quả nhất. Hiện nay tất cả các trẻ sơ sinh đều được tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu theo chuẩn lịch tiêm chủng quốc gia (lịch tiêm chủng được thực hiện thường xuyên hàng tháng tại các Trạm y tế xã). Nếu các trẻ em được tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B đầy đủ theo đúng phác đồ, 95% các trẻ em sẽ không bị mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Sau đó, từ một đến hai tháng tuổi, bé tiếp tục được tiêm chủng mũi thứ hai và đến sáu tháng tuổi tiêm chủng mũi thứ ba. Những mũi chủng ngừa trên sẽ giúp cơ thể bé tạo kháng thể chống lại vi-rút viêm gan B. Một điều quan trọng nữa là trẻ em phải được kiểm tra kháng thể chống vi-rút viêm gan B khi được 12 - 15 tháng tuổi.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh có cân nặng < 2.000 gram, thì tùy theo tình trạng sức khỏe của trẻ có thể trì hoãn tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B và huyết thanh kháng viêm gan siêu vi B nhưng không quá 07 ngày./.
Bs.CKI Phạm Hồng Thanh - Phòng KHNV, TTYT TP. Long Xuyên
|