Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Lợi ích việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại

12:39 09/03/2022

Dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, nhất là xuất hiện các biến chủng mới như Delta, Omicron… Để ngăn chặn dịch bệnh cách tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin, đặc biệt tiêm đủ mũi cơ bản và hiện nay đang bắt đầu tiêm mũi 3 tăng cường, bên cạnh đó không quên thực hiện tốt khuyến cáo “5K” của ngành Y tế.

1. Tại sao cần tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19?

Tiêm vắc xin là gây miễn dịch chủ động do kháng thể được sinh ra và theo thời gian sau khi tiêm khoảng 4-6 tháng, kháng thể sinh ra từ hai liều vắc xin cơ bản bị suy giảm dần, vì vậy, tiêm nhắc lại (tiêm mũi 3 tăng cường) nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên, chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2. Do đó, tiêm mũi vắc xin tăng cường là rất quan trọng.

2. Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 loại nào?

Về vấn đề này, theo các tác giả, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, được công bố, đánh giá mức độ an toàn và đáp ứng miễn dịch được tạo ra bởi mũi vắc xin tăng cường đồng loại và khác loại, ở những người đã nhận được hai liều ban đầu (ví dụ: AstraZeneca Anh hoặc Pfizer Mỹ). Nghiên cứu cho thấy tiêm đồng loại hay khác loại tăng cường đều có hiệu quả trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch ở 28 ngày sau tiêm. Cũng giống như mũi thứ hai, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ đạt mức cao nhất sau hai tuần sau khi tiêm.

3. Lưu ý tác dụng phụ khi tiêm mũi tăng cường

 Nhìn chung, những tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm mũi 3 là sốt, nhức đầu, mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, hầu hết các biểu hiện này đều nhẹ hoặc trung bình. Một số người còn gặp các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau cơ và khớp. Có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy, các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc.

4. Ích lợi của tiêm vắc xin phòng COVID-19

Giống như các loại vắc xin khác, vắc xin phòng COVID-19 sẽ kích thích hệ miễn dịch cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, đồng thời giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh tương ứng với vắc xin đã dùng mỗi khi tác nhân gây bệnh đó xâm nhập cơ thể (được gọi là trí nhớ miễn dịch).

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho người được tiêm, ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong khi bị nhiễm SARS-CoV-2.

Hơn thế nữa, tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp bảo vệ những người xung quanh, bởi vì người được tiêm vắc xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm và ít có khả năng trở thành người mang vi rút không triệu chứng (hay còn gọi là người lành mang vi rút) cho nên ít có khả năng lây lan cho những người tiếp xúc, đặc biệt người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính, bệnh nền. Cần lưu ý rằng càng có nhiều người (khoảng trên 80%) trong diện được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 càng được hạn chế.

Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể (dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm). Người được tiêm mũi 3, về nhà cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Các dấu hiệu nguy cơ cao như sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Mai Thị Bích Chinh

Tổ TTGDSK, TTYT Chợ Mới

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang