Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Những điều cần biết về hen phế quản

02:14 17/05/2022

Hen phế quản (HPQ) là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới.Theo thống kê của Mạng lưới Hen suyễn toàn cầu (Global Asthma Network) trong năm 2011 có 235 triệu người mắc HPQ, trong năm 2014 con số này tăng lên đến 334 triệu người trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính có 250.000 người tử vong do hen mỗi năm. Nguyên nhân tử vong thường là do những biến chứng nguy hiểm của bệnh HPQ như suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi…

Các số liệu về tình hình dịch tễ học về HPQ ở Việt Nam đã được công bố cho đến nay đều nằm trong phạm vi nhỏ lẻ, rời rạc nên chưa có tính đại diện cho quốc gia. Điều này cho thấy so với những bệnh mạn tính khác thì bệnh HPQ chưa được mọi người quan tâm đúng mực ở nước ta. Với những vấn đề đã nêu trên, việc người dân nên biết được những dấu hiệu HPQ để phát hiện và kiểm soát kịp thời là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình.

HPQ là gì? HPQ là một bệnh viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắt nghẽn, hạn chế đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm, có thể tự phục hồi hoặc dùng thuốc.

Những ai dễ mắc HPQ? Có người thân trong gia đình bị mắc bệnh; Người có tiền sử dị ứng (dị ứng da, viêm mũi dị ứng); Người hút thuốc lá, phơi nhiễm khói thuốc lá; Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.

Biến chứng của HPQ: HPQ là một bệnh mãn tính nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra khởi phát cơn HPQ cấp. Đặc điểm cơn HPQ cấp: là sự nặng lên của các triệu chứng khó thở, ho, khò khè, nặng ngực và giảm chức năng thông khí phổi.

Làm gia tăng nguy cơ tử vong có liên quan đến hen.

Ngoài ra, HPQ còn dẫn đến tình trạng xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí màng phổi, khí phế thủng,…

Làm thế nào để chẩn đoán HPQ?

Người dân có những dấu hiệu dưới đây cần đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra bằng cách đo hô hấp ký và test đáp ứng đường thở để được chẩn đoán chính xác HPQ: Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt ở thì thở ra; Thời điểm xuất hiện cơ khó thở: thường về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi)…; Ho nhiều vào ban đêm; Hơi thở nhanh và gấp, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi;

Tóm lại, HPQ là bệnh cần phát hiện sớm để có hướng kiểm soát kịp thời, tránh để tình trạng bệnh phát triển đến giai đoạn hen cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, mọi người cần có có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì hoạt động thể lực thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần./.

CN. Nguyễn Khánh Duy - Khoa PCBKLN, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang