Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Thành phần, độc tính của thuốc lá, các bước chuẩn bị và tiến hành bỏ thuốc lá

08:35 23/05/2022

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, tỉ lệ người dân sử dụng thuốc lá còn khá cao và đang có xu hướng tăng lên, chủ yếu là ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do thiếu hiểu biết về tác hại nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, chia ra làm 4 nhóm chính:

1. Nicotine (Ni-cô-tin):

Ni-cô-tin là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Ni-cô-tin được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg ni-cô-tin mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa ni-cô-tin một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào. Tác dụng gây nghiện của ni-cô-tin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương, chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn.

2. Monoxit carbon (khí CO):

Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của O2 (ô-xi) trên hồng cầu. Và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển ô-xy vì đã gắn kết với CO, đây là nguyên nhân gây lên một số bệnh phổi mạn tính như: Hen phế quản, viêm phế quản, giãn phế quản… Hậu quả là cơ thể không đủ ô-xy để sử dụng.

3. Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá:

Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhầy và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhầy-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

4. Các chất gây ung thư:

Trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư, các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

Để góp phần nâng cao chất lượng sống, mỗi chúng ta hãy tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà, nơi làm việc và những nơi công cộng bị cấm hút thuốc lá; đồng thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc hút thuốc lá ở những nơi có trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.

Để từ bỏ thuốc lá thành công, yếu tố đầu tiên cần phải có và mang tính quyết định đó là sự quyết tâm và niềm tin sẽ bỏ được thuốc lá.

Tại sao lại phải bỏ thuốc lá?

- Khi hút thuốc bạn sẽ có cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng khả năng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn… Trạng thái này do ni-cô-tin có trong khói thuốc tác động lên hệ thần kinh tạo ra và nó chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, để luôn có được cảm giác này bạn sẽ phải hút thuốc thường xuyên. Nhưng bạn cần biết rằng trong khói thuốc còn khoảng 7.000 chất hóa học khác là nguyên nhân trực tiếp gây các bệnh nguy hiểm như: các bệnh ở phổi, bệnh tim mạch, suy giảm khả năng sinh sản và đặc biệt là bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản…

- Theo nhiều nghiên cứu có đến trên 90% các trường hợp ung thư phổi là xảy ra trên những người hút thuốc. Đặc biệt, những người thân xung quanh bạn không trực tiếp hút, nhưng lại hít phải khói thuốc do bạn hút cũng sẽ có khả năng mắc tất cả các bệnh nguy hiểm trên tương tự như bạn. Nghiêm trọng hơn, nếu người hút hoặc hít phải khói thuốc là phụ nữ đang mang thai thì sẽ có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh… những tác hại này không xẩy ra ngay mà phải sau thời gian hàng chục năm và thường bắt đầu sau tuổi 40.

- Cùng với việc đốt cháy cơ thể mình, hút thuốc cũng đốt của bạn không ít kinh phí, kể cả trường hợp tiền không phải là vấn đề với bạn thì sẽ thật có ích hơn khi số tiền đó được sử dụng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn xung quanh bạn. Đó còn chưa kể đến nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống, và nhất là bạn sẽ trở thành tấm gương mờ cho người thân của bạn về lối sống và nguy cơ mắc các tệ nạn khác… Nếu bạn là người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng hãy cho mình quyết tâm từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay.

Làm thế nào để bỏ thuốc lá thành công?

- Nếu như hút thuốc đối với bạn mới chỉ là thói quen, việc bỏ thuốc không phải là quá khó, chỉ cần bạn có quyết tâm cao là thành công; nhưng nếu đã nghiện thì bạn cần chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo để thực hiện quyết tâm bỏ thuốc. Vì khi bắt đầu bỏ thuốc, bạn sẽ gặp phải một số dấu hiệu như: mất ngủ, giảm hưng phấn, giảm sự tập trung, bứt rứt, khó chịu, lo âu, thèm ăn…

- Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì đây chỉ là các biểu hiện do “thiếu thuốc” gây ra, tình trạng này sẽ chỉ xuất hiện trong một hai tuần đầu tiên sau khi bỏ thuốc. Để vượt qua tình trạng này bạn nên chuẩn bị sẵn một số thứ để thay thế cho thuốc lá như: Hạt dưa, kẹo cao su… bạn nên uống nhiều nước; hít thở sâu; không ngồi lại bàn ăn quá lâu mà nên đi làm việc khác như đánh răng, đi bộ hoặc nói chuyện với người thân hay ngâm bài thơ, bài hát mình yêu thích…

- Trong trường hợp vượt quá sự chịu đựng của bạn, cần đến các trung tâm cai nghiện hoặc bác sỹ để được tư vấn sử dụng thuốc cai nghiện giúp bạn vượt qua giai đoạn này, không tự ý dùng bất cứ một loại thuốc cai nghiện nào. Bạn nên thông báo quyết tâm bỏ thuốc cho người thân, bạn bè biết để nhận được sự động viên, khuyến khích và ủng hộ kịp thời.

- Sau khi bỏ thuốc một thời gian, có thể bạn sẽ tăng cân. Nếu như điều đó là sự phiền toái thì các lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, cùng với luyện tập thể thao sẽ giúp bạn có được vóc dáng như ý. Hãy bỏ thuốc ngay bây giờ và ngay hôm nay bởi vì các tổn thương do thuốc lá gây ra sẽ có khả năng hồi phục nếu như cơ thể bạn không còn khói thuốc. Đặc biệt khả năng hồi phục gần như hoàn toàn nếu bạn bỏ thuốc trước tuổi 40.

- Bạn nên tránh sự lôi kéo việc hút thuốc của mọi người xung quanh, tích cực giao tiếp với những người có cùng quyết tâm và tìm cách giảm sức ép của công việc, đồng thời bỏ hết các vật dụng liên quan đến thuốc lá như: diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc.

Bạn cũng cần biết rằng không phải người nào cũng thành công ngay từ lần bỏ thuốc đầu tiên. Nếu bạn là một trong số đó thì cũng không nên nản chí, sự quyết tâm của bạn sẽ tăng thêm khả năng thành công từ bỏ thuốc lá vĩnh viễn trong lần sau./.

Bs. Nguyễn Công Nghi, Phòng KHNV, TTYT Châu Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang