Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh thường gặp ở trẻ khi thời tiết chuyển mùa

02:32 24/05/2022

Khi thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để Ii rút, vi khuẩn, nấm sinh sôi nhanh và phát tán mầm bệnh. Mặc khác do hệ miễn dịch cơ thể không kịp thích ứng nên dẫn đến dễ mắc bệnh. Thời điểm này cũng hay xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, đây cũng là dịp muỗi sinh sôi gây bệnh sốt xuất huyết. Chính vì thế, các bệnh về hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, sốt xuất huyết, tay chân miệng…. là thường gặp nhất.

Những bệnh khi thời tiết giao mùa thường tấn công trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu và khi mắc bệnh thường nặng hơn người lớn. Sau đây là một số bệnh thường gặp:

Sốt xuất huyết: Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue  gây ra. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây do loài muỗi vằn chích từ người bệnh truyền sang cho người lành. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, nhất là với trẻ em. Sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết chảy máu. Trong trường hợp nặng trẻ có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen; đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng; hội chứng sốc do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Tay chân miệng: Cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể bị rải rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch vào khoảng tháng 3 - 5 và tháng 9 -11 trong năm; nhưng ngày nay bệnh xuất hiện quanh năm. Vi rút Tay chân miệng lây rất nhanh qua đường miệng và hô hấp. Khi trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh thì sẽ phát bệnh sau 3- 7 ngày với các biểu hiện tổn thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông và gối. Trẻ có thể sốt cao > 390C, đau họng. Trong trường hợp nặng trẻ sẽ co giật, lừ đừ, yếu tay chân, tay chân lạnh và hôn mê. Trẻ có tử thể vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị, nhưng vẫn còn những rối loạn về thần kinh kéo dài.

Cảm cúm: Khi bị cảm cúm, người bệnh có thể sẽ có những triệu chứng như: bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, đau họng, chán ăn,… Người bệnh cần nghỉ ngơi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Chườm ấm nếu bị sốt < 38,50C. Người bệnh cần ăn thức ăn mềm, uống nhiều nước. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C.

Sốt phát ban: Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút Rubella. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng. Có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của trẻ sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt, nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.

Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch, đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, cúm, ho gà…; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; đeo khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa vi rút, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông hay dung dịch sát khuẩn. Trẻ cần ngủ mùng kể cả ban ngày, làm vệ sinh môi trường, diệt muỗi diệt lăng quăng.  Khi có các triệu chứng như sốt, hắt hơi, ho… nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị./.

Chau Bô Rết - Khoa KSBT, TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang