Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Vitamin A những điều cần biết

08:56 16/06/2022

Viatmin A là một trong 3 vi chất (I-ốt, vitamin A, sắt) quan trọng giúp nâng cao miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật.

Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống bệnh quáng gà, bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Ngoài ra vitamin A làm chậm quá trình lão hoá do làm ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do.

Viên nan Vitamin A 100.000 IU (màu xanh) và 200.000 IU màu đỏ

1. Ảnh hưởng của thiếu vitamin A

- Dễ mắc các bệnh: Khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc dẫn tới sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn, thoái hóa, sừng hóa các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể.

- Giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em.

- Trẻ chậm lớn, thiếu vitamin A sớm ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.

2. Đối tượng dễ thiếu vitamin A

- Trẻ không được bú sữa mẹ.

- Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A do trẻ đang lớn nhanh nhu cầu cần nhiều vitamin A, ở tuổi này do chế độ nuôi dưỡng cũng thay đổi (giai đoạn ăn bổ sung, cai sữa sớm) và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

- Trẻ dưới 5 tuổi dễ bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng và nhiễm ký sinh trùng.

- Bà mẹ đang cho con bú nhất là trong năm đầu, nếu chế độ ăn thiếu vitamin A, thì trong sữa mẹ sẽ thiếu vitamin A dẫn đến không cung cấp đủ vitamin A cho trẻ.

3. Nguyên nhân thiếu vitamin A

- Khẩu phần ăn bị thiếu hụt: Vì cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp.

- Thiếu dinh dưỡng: Thiếu protein năng lượng, thiếu kẽm ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin A.

- Các bệnh nhiễm khuẩn: Đặc biệt là sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp gây nguy cơ thiếu vitamin A. Nhiễm giun, đặc biệt là giun đũa cũng là yếu tố góp phần gây thiếu vitamin A.

4. Phòng ngừa thiếu vitamin A:

- Trước mắt:

Bổ sung vitamin A liều cao: Mỗi liều vitamin A dự phòng có thể bảo vệ cho trẻ không bị thiếu vitamin A trong vòng 4-5 tháng. Vì vậy mỗi năm chương trình phòng chống vitamin A tổ chức 02 đợt uống bổ sung cho trẻ từ 6 đến 35 tháng 29 ngày tuổi. Đồng thời cấp phát thường xuyên cho bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng và trẻ em trên 5 tuổi bị mắc các bệnh có yếu tố nguy cơ thiếu vitamin A.

-  Lâu dài và bền vững:

+ Bú sữa mẹ hoàn toàn tròn 6 tháng đầu.

+ Đa dạng hoá bữa ăn: thực phẩm giàu vitamin A như gan, cá, trứng, sữa, củ quả có màu vàng...

+ Cho thêm dầu, mỡ vào thức ăn hàng ngày của trẻ.

+ Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm./.

CN. Nguyễn Thị Thúy Oanh – Khoa Dinh dưỡng, TT.KSBT AG

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang