Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Trẻ thiếu vi chất và biện pháp phòng

09:22 16/06/2022

Khi có đủ kiến thức về chăm sóc con, bạn sẽ tự tin hơn. Hãy chú ý đến sự cung cấp thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng để con bạn được phát triển vui vẻ và khỏe mạnh. Bạn cần lưu ý các dấu hiệu thiếu vi chất để bổ sung kịp thời.

Lựa chọn thực phẩm đủ dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn gia đình để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng

1. Thiếu vitamin A: Vitamin A cần thiết để hỗ trợ thị lực khỏe mạnh và các chức năng hệ thống miễn dịch. Trẻ em bị thiếu hụt phải đối mặt với nguy cơ mù lòa và tử vong do nhiễm trùng như sởi và tiêu chảy. Trẻ chậm lớn, răng mọc không đều, móng tay có màu sắc u ám, da tay nhăn nheo, thô ráp, bị quáng gà, mắt khô. Sức đề kháng kém, hay ốm vặt, trí nhớ giảm – đó là dấu hiệu trẻ bị thiếu vitamin A

2. Thiếu vitamin C và vitamin D: Chân răng và lợi sưng đỏ, dễ chảy máu, da lúc xanh, lúc tím, xuất huyết niêm mạc, đầu lưỡi có những vết nứt sâu, vòm miệng và mặt lưỡi có nhiều mụn nhiệt. Hoạt động dễ mệt mỏi, hay quên, thích sống một mình. Có thể trẻ bị thiếu vitamin C.

Trẻ em cần đủ Vitamin D để hình thành xương và cơ bắp khỏe mạnh trong suốt những năm phát triển. Các triệu chứng thiếu vitamin D có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thiếu vitamin D có thể làm tăng sự nhạy cảm của con bạn với chuột rút, yếu cơ nói chung và gãy xương.

3. Thiếu sắt: Sắt là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của con bạn. Sắt giúp di chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể và giúp cơ bắp lưu trữ và sử dụng oxy.  Thiếu sắt làm da trẻ bị ngứa, trẻ hay đưa tay gãi lung tung, tóc khô và dễ gãy, không thích hoạt động vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi, đuối sức hay mệt, móng tay mềm, dễ gãy, màu sắc không tươi sáng. Mặt mũi nhợt nhạt xanh xao, đầu óc không minh mẫn, sự chú ý phân tán.

4. Thiếu kẽm: Giống như sắt, kẽm cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể, tuy nhiên, nó cũng là một chất mà nhiều trẻ dễ bị thiếu. Kẽm cần thiết cho hoạt hóa hormone để hình thành các protein liên kết với retinol, hỗ trợ chữa lành vết thương, vết thương khó lành, ăn uống kém thậm chí còn chán ăn thường xuyên, chậm lớn, sức đề kháng giảm, hay bị cảm lạnh… là biểu hiện trẻ đã bị thiếu kẽm.

5.Thiếu vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B đóng vai trò chủ yếu cung cấp năng lượng, cải thiện tâm trạng và duy trì sự sắc bén của não bộ. Vitamin nhóm B bao gồm: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12. Trẻ biếng ăn, tiêu hóa không tốt, phù nề, nấm kẽ chân... biểu hiện ra bằng các triệu chứng: tinh thần rối loạn bất bình thường, đó là dấu hiệu trẻ đã bị thiếu vitamin B1. Chung quanh vòm miệng thường mọc mụn nhiệt, đầu lưỡi sưng, môi viêm tấy, da tay chân nóng. Đó là dấu hiệu trẻ đã bị thiếu vitamin B2.

6. Thiếu selen: Nhắc đến selen có khi còn rất xa lạ với nhiều cha mẹ. Selen là nguyên tố hiếm có mặt trong cơ thể với lượng rất ít nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Chức năng chủ yếu của chất khoáng vi lượng này là tham gia vào thành phần của men glutathione peroxidase, men này hoạt động cùng với vitamin E nhằm ngăn ngừa và bảo vệ sự tổn thương màng tế bào bởi các gốc tự do. Khi thiếu hụt gây dễ nhiễm trùng, sắc tố da kém, thiếu selen trong chế độ ăn lâu dài gây ung thư, bệnh tim và suy giảm miễn dịch …

Lời khuyên cho cha mẹ

Các vi chất dinh dưỡng không tự sản xuất được trong cơ thể mà phải bắt nguồn từ chế độ ăn.

Bảng nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bé:

4 cách bổ sung thiếu hụt vi chất dinh dưỡng

- Đa dạng hóa chế độ ăn uống.

- Bổ sung thực phẩm.

- Bổ sung vitamin và khoáng chất.

- Biện pháp kiểm soát bệnh tật và sức khỏe.

Cụ thể

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu;

- Khi trẻ bắt đầu tháng thứ 7, ngoài bú mẹ, cần cho trẻ ăn bổ sung (còn gọi là ăn sam, hay ăn dặm, phối hợp nhiều loại thực phẩm và các nhóm chất cần thiết cho trẻ bắt đầu ăn dặm) vì thời kỳ này sữa mẹ không đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng đối với sự phát triển của cơ thể trẻ. Cho trẻ ăn bổ sung đúng về thời gian, sẽ giúp trẻ thích ứng dần với các thức ăn, thực phẩm, đồng thời giúp bộ máy tiêu hóa của trẻ hoàn thiện dần từ chế độ ăn lỏng đến đặc. Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt nguồn gốc động vật như thịt bò, thịt gà, cá… Thực phẩm chứa nhiều canxi như hoa quả và rau xanh, tôm tép, đậu đen … Bữa ăn hàng ngày của trẻ bổ sung kẽm thông qua thực phẩm: cua, cá, hàu, ngao… Thực phẩm nguồn gốc thực vật bổ sung vitamin A: cà rốt, đu đủ, gấc… Ngoài ra, cha mẹ nên chọn thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn và không rõ nguồn gốc. Các vitamin dễ mất đi trong quá trình chế biến nên khi nấu cha mẹ nhớ lưu ý...

Rối loạn tăng trưởng chậm và thiếu vi chất dinh dưỡng thường gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển trẻ em. Bổ sung đúng và đủ hàng ngày là giải pháp tối ưu nhất đề phòng thiếu hụt ở trẻ em; cha mẹ nên áp dụng các biện pháp nói trên để trẻ phát triển khỏe mạnh và toàn diện./.

Ds. Trần Văn Chí - TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang