Người bị nhiễm virút dại sau khi bị thú vật bị bệnh dại cắn, bị cào sâu, thường là nước bọt dính vào dịch tiết, vùng da bị thương ở người. Chó dại truyền bệnh cho người chiếm 99% các trường hợp và chiếm 95% các trường hợp tử vong vì bệnh dại.
Thời kỳ ủ bệnh dại thường từ 1-3 tháng nhưng có thể thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nơi mà virút xâm nhập hoặc lượng virút xâm nhập. Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại gồm sốt cao, cảm giác ngứa ran, bị châm chích, nóng rát không rõ nguyên nhân ở vết thương. Do virút lan rộng đến hệ thần kinh trung ương, gây viêm tiến triến ở não và tủy sống dẫn đến tử vong.
Khi người bệnh mắc bệnh dại có hai dạng biểu hiện: Người mắc bệnh dại trở nên hung dữ: có dấu hiệu tăng động, thái độ kích động, sợ nước, có khi sợ gió. Bệnh nhân tử vong sau vài ngày do ngưng tim hô hấp. Bệnh dại dạng tê liệt: chiếm 30% trong tổng số các trường hợp ở người. Thời gian diễn tiến của dạng bệnh này kéo dài hơn dạng hung dữ. Từ chỗ vết thương, các cơ dần tê liệt. Bệnh nhân bị hôn mê và có thể tử vong.
Bệnh dại có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Tiêm phòng bệnh dại cho chó là chiến lược hiệu quả nhất để phòng bệnh dại ở người. Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ phơi nhiễm với vật mắc bệnh dại. Vắc xin sử dụng cho người làm việc ở môi trường có nguy cơ cao như nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với virút dại và liên quan đến bệnh dại sống; người làm những công việc phải tiếp xúc với dơi, thú ăn thịt hay động vật có vú khác có nguy cơ nhiễm bệnh dại (nhân viên thảo cầm viên, khu bảo tồn động vật hoang dã). Vắc-xin phòng tránh nguy cơ phơi nhiễm với vật mắc bệnh dại cũng được khuyến khích sử dụng cho khách du lịch ngoài trời, leo núi; đến các vùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cao để tránh nhiễm bệnh dại.
Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị Dại gần như tử vong 100%. Để chủ động phòng chống, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại
- Tuyệt đối không tự chữa, dùng thuốc nam hay nhờ thầy lang chữa bệnh Dại./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên
|