Hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh tim mạch?
Trả lời: Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày, như:
- Hút thuốc lá: Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá chính là nguyên nhân gây co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch.
- Chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol.
- Ít vận động, hoạt động thể dục thể thao.
- Thừa cân, béo phì.
- Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.
- Tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu.
- Đái tháo đường: Bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
- Tuổi tác cao tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch.
- Yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).
Hỏi: Xin cho biết những dấu hiệu để sớm nhận biết bệnh tim mạch
Trả lời: Triệu chứng nhận biết của bệnh tim mạch bao gồm:
- Khó thở: xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.
- Cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim, tuy nhiên cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh.
- Cơ thể bị tích nước, mặt, bàn chân căng phù: Triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ hai bàn chân kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
- Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức: cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Đây là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi.
- Ho dai dẳng, khò khè: Tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.
- Chán ăn, buồn nôn: Sự tích tụ của dịch trong gan, hệ thống tiêu hóa khiến người bệnh chán ăn và buồn nôn.
- Đi tiểu đêm: Người bệnh suy tim sẽ đi tiểu thường xuyên vào ban đêm do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu.
- Nhịp tim nhanh, mạch không đều: tim đập với tốc độ nhanh hơn, đánh trống ngực hoặc đập dồn dập.
- Thở nhanh, lo lắng, lòng bàn tay đổ mồ hôi.
- Chóng mặt, ngất xỉu: là triệu chứng thường gặp khi người bệnh bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn.
Hỏi: Có phải tim mạch là bệnh có tính di truyền?
Trả lời: Đầu tiên chúng ta cần biết rằng hầu hết các bệnh lý tim mạch xảy ra chủ yếu là do lối sống không lành mạnh, với chỉ rất ít phần trăm là do các yếu tố di truyền. Tuy nhiên đối với một số bệnh như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh mạch vành, hội chứng Brugada, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim… thì có thể có tính chất gia đình. Cụ thể, nếu trong gia đình có bố mẹ hay ông bà mắc những bệnh lý này thì con cái, anh em ruột sẽ có khả năng kế thừa gen bệnh và có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bằng cách tầm soát điện tim cho bản thân và người thân trong gia đình sớm và chủ động có những thay đổi tích cực đối với các yếu tố nguy cơ.
Hỏi: Để phòng ngừa bệnh tim mạch chúng ta cần áp dụng những biện pháp nào?
Trả lời: Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phòng ngừa bệnh tim mạch, kể cả trong quá trình điều trị và ngăn bệnh tiến triển hay tái phát. Theo các chuyên gia, chúng ta cần thực hiện theo những khuyến cáo sau đây:
- Một là chế độ ăn uống hợp lý: Nên ăn dưới 5 gram muối mỗi ngày (tương đương với 1 thìa cà phê), không nên ăn mặn. Lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ăn nhiều rau và hoa quả, đây được coi là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch có hiệu quả. Vì trong rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin, chất khoáng, chúng cung cấp rất ít calo. Hạn chế ăn mỡ động vật nên ăn dầu ăn thực vật sẽ giúp cho trái tim khỏe mạnh. Với một chế độ ăn uống có ít mỡ, ít chất béo và ít cholesterol sẽ giúp duy trì được cân nặng một cách hợp lý, duy trì huyết áp bình thường từ đó giúp giảm các biến cố về tim mạch. Ngoài ra, các loại thức ăn nhiều chất xơ và tinh bột như lúa mì, yến mạch, hạt ngũ cốc, gạo nếp vàng, bột mì…cũng là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch rất tốt và cả đột quỵ. Chúng có thể làm giảm cholesterol máu, chất xơ khiến cơ thể cảm thấy nhanh no, do đó giúp giảm cân tốt hơn. Cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo... có thể gây tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch.
- Hai là nên tập thể dục thường xuyên: Nên tập thể dục từ 30 phút - 60 phút mỗi ngày sẽ góp phần phòng chống các bệnh lý tim mạch. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, trái tim và thành mạch máu thêm dẻo dai. Tùy vào tình trạng sức khỏe, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một môn thể dục phù hợp. Rèn luyện đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội… là những môn thể thao nhiều người lựa chọn và ưa chuộng.
- Ba là không hút thuốc lá, thuốc lào: Thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Thống kê cho thấy thuốc lá gây rất nhiều nguy hiểm đến tim mạch, người hút thuốc có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao hơn hai lần người không hút và người hít khói của người hút cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn người thường. Vì thế, không hút thuốc là hiệu quả cho biện pháp phòng chống bệnh tim mạch nhất là ở nam giới
- Bốn là duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp. Cần kiểm tra cân nặng thường xuyên để kiểm soát được trọng lượng cơ thể. Cần giảm cân bằng các biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giảm ăn để giảm lượng calo đưa vào cơ thể. Đồng thời, tăng cường luyện tập thể dục để tiêu hao bớt lượng ca lo dư thừa.
- Năm là khám sức khỏe định kỳ: Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được chỉ số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo và vòng mông trên cơ thể. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe.
- Sáu là hạn chế uống rượu, bia: Vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và làm tăng trọng lượng cơ thể. Khi trọng lượng cơ thể tăng lại là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, cần tránh căng thẳng, lo âu quá mức, cùng nhau xây dựng một môi trường xã hội đoàn kết, lành mạnh để góp phần phòng chống tăng huyết áp và tai biến mạch máu não hiệu quả.
Ngoài ra, khi mắc bệnh tim mạch cần tuân thủ theo 4 nguyên tắc điều trị như: Dùng liên tục, không được tự ý ngưng thuốc; dùng thuốc đúng liều; uống thuốc đúng giờ; không được tự ý dùng thuốc khác mà không có chỉ định của bác sĩ ./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên
|