Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

“Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả”

02:57 26/10/2022

Tuổi thọ của người Việt trong thập kỷ qua liên tục tăng, ước tính đến 2023 sẽ có 13,7 triêu người. Dự báo, đến năm 2030, số này là 17,9 triêu. Điều này có nghĩa là 1 người ở tuổi 35 sẽ còn 5 năm sống nữa (nếu ở 1960), 38 năm sống nữa (2018) và quảng đời còn lại là 45 năm sống nữa vào năm 2030.

Người cao tuổi, người già. Người cao tuổi là những công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên (theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009). Theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn “người già” được xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên. Vậy người cao tuổi không phải là nguời già.

Dân gian thì các cụ “thức dậy thấy lưng nhức mỏi, bước xuống giường một bên gối hơi đơ, nhìn vào gương soi thấy những vết nhăn nhúm”. Đó là già thật, có nguời chưa đủ 60 tuổi mà gọi mình đã già”. Người ta gọi là già háp như các nhà thơ tự hỏi:” Đời ba mươi tuổi, xuân còn hết”. Xuân hết hay già hóa? Già sinh học cũng có nhiều người không chấp nhận già nên nói “Dù tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già. Không muốn già”, đó là già gân.

Khoa học thì nói có 2 loại tuổi để tính tuổi già: Tính theo tuổi về hưu - tuổi theo năm sinh và tuổi sinh học của cơ thể - tuổi thọ. Việt Nam ta gọi chung đó là người cao tuổi.

1. Không phải già nào cũng như nhau

Sự hóa già của mỗi cá nhân rất khác nhau, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gen, chủng tộc, giống tính, nếp sống, hoàn cảnh gia đình,... Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khỏe mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập thì có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây.  Già hóa nam nữ cũng khác nhau dân gian gọi là tắt dục hay mãn kinh; nữ có tuổi thọ cao hơn nam. Nữ hay bị bệnh trầm kha như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương; nam thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim. Vì vậy không phải già nào cũng như nhau.

Sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân, quả. Thường thường khi nói tới già là yếu. người già thường chống gậy, đi xe lăn, một tháng đi bác sĩ vài ba lần, .. đâu còn sức lực gì. Tuy nhiên các tổng kết cho thấy tám mươi phần trăm người cao tuổi đều có một sức khỏe tốt, đều duy trì tình trạng tự cáng đáng các nhu cầu hàng ngày, duy trì khả năng làm việc. Người già nên tham gia những sinh hoạt chung của lối xóm; trao đổi thư tín, tin tức với bạn bè con cháu; tránh những ưu tư không cần thiết, làm cuộc sống cuối đời vui nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ cần một chút tích cực là được.

2. Lắng nghe sự khôn ngoan của người cao tuổi

Cái quan niệm già vô dụng, có lẽ chỉ đúng khi người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân cần sức lực nhưng ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật, khoa học, nhu cầu sức lao động chân tay đã bớt nhiều người già vẫn làm việc tốt như giữ sổ sách, làm phước, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, đóng góp ý kiến, tham mưu, … rất đáng tin cậy. Tưởng già hết duyên, khô cạn tình dục, …. điều này cũng sai vì các tiến bộ y khoa đã có cách khắc phục đa số các vấn đề này. Vốn sống và tiến bộ của chăm sóc sức khỏe đã tạo cho xã hội một nguồn vốn quý giá là sự khôn ngoan của người cao tuổi, người già, vì vậy chúng ta cần lắng nghe lời dạy bảo của họ.

3. Cần suy nghĩ về tổ chức cuộc sống khi về hưu

Việt nam hiện nay đàn bà 60 tuổi, đàn ông 63 là nghỉ việc.  Từ cái tiêu chuẩn hành chánh đó nhiều người nghỉ hưu đồng nghĩa họ đều già. Về hưu là giảm thu nhập, khó khăn về mọi phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt… ít có người nghĩ “đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân, dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó”. Vì vậy, khi chưa già ta nên suy nghĩ về một ngân sách và cuộc sống lúc về hưu.

Tóm lại, Già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên không cần phải lãng tránh? Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của trời đất, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả”./.

Bs. Lê Minh Uy - Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang