Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Tai nạn đuối nước ở trẻ em và các biệp pháp phòng tránh

01:42 01/11/2022

Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa gây tử vong cao đối với trẻ em ở vùng nông thôn sông nước. Theo báo cáo về tai nạn thương tích năm 2021 của Cục Quản lý môi trường y tế, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em nhóm tuổi 0-4 tuổi. Vì vậy, thực hiện các biện phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em là việc làm hết sức cần thiết.

Để có thể đề ra được những biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em một cách có trọng tâm, hiệu quả chúng ta cần xét đến nhiều khía cạnh nguyên nhân và dịch tễ học. Đuối nước ở trẻ em thường xảy ra vào những tháng nghỉ hè của một năm học, vì đây là thời điểm các em có nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt là các hoạt động dưới nước và giảm đi sự giám sát chặt chẽ của nhà trường và gia đình. Một thời điểm khác là vào các thời điểm mùa mưa lũ trong năm, nước sông dâng cao làm tăng nguy cơ gây tai nạn đuối nước. Về địa điểm, đuối nước thường xảy ra tại các địa phương có mạng lưới sông ngòi dày đặc, ở nông thôn thường cao hơn thành thị. Về con người, đuối nước thường gặp ở trẻ em chưa biết bơi, trẻ em mồ côi thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhưng phần lớn nguyên nhân đến từ sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh khi cho con em đi bơi hoặc đùa giỡn gần khu vực sông, hồ, ao, rạch khi chưa trang bị cho con kỹ năng bơi cần thiết. Trong số những nguyên nhân trên có những nguyên nhân khó khắc phục được như thời tiết, nghỉ hè, hoàn cảnh gia đình còn lại là phần lớn những nguyên nhân chúng ta có thể phòng trách được.

Đuối nước ở trẻ em có tỉ lệ tử vong cao; vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh là ưu tiên trên hết, trong đó có các biện pháp cụ thể như sau:

Tổ chức các khu vực vui chơi giải trí lành mạnh, các hồ bơi an toàn cho các em học sinh trong dịp nghỉ hè nhằm tạo sân chơi bổ ích giúp hạn chế các hoạt động tắm sông tự phát không an toàn.

Tại các khu vực nguy hiểm gần bờ sông, hồ, ao, rạch có nguy cơ đuối nước cần có biển cách báo, hàng rào ngăn cách, tuyệt đối không để trẻ em đến gần nơi đây, đặc biệt chú ý các tháng mùa mưa, mùa lũ nước dâng cao.

Tổ chức các lớp tập bơi cho trẻ em đủ điều kiện, đây là biệp pháp phòng tránh hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.

Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên trang bị bể chứa nước dự trữ lớn; nếu có phải luôn được đậy kín, đảm bảo trẻ không thể mở ra để tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể, dẫn đến ngạt nước.

Tuyên truyền nâng cao sự cảnh giác của phụ huynh, người nuôi dưỡng trẻ không cho trẻ em vui đùa, bơi ở những nơi nguy hiểm có nguy cơ đuối nước khi chưa biết bơi.

Tổ chức các lớp sơ cứu, cấp cứu tai nạn đuối nước cho người trông coi trẻ tại các cơ sở giáo dục, các hồ bơi nhân tạo, công an giao thông đường thủy,…

Đuối nước ở trẻ em có tỉ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng tránh được. Việc thực hiện các biệp pháp phòng chống tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em cần có sự phối hợp nhiều ngành, tổ chức và cá nhân với nhau. Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức phòng tránh, sự quan tâm của các bậc phụ huynh và người nuôi dưỡng trẻ về tai nạn đuối nước là biện pháp quan trọng nhất góp phần giảm thiểu tỉ lệ mắc và tử vong do tai nạn đuối nước ở trẻ em./.

Bs. Trần Nguyễn Chí Thanh – Khoa SKMT-YTTH-BNN, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang