Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Những điều cần lưu ý trước và sau khi tiêm vắc xin COVID-19

01:51 11/10/2021

Hiện nay, các loại vắc xin COVID-19 nhập về Việt Nam đều có hiệu quả bảo vệ cao. Do đó, mọi cá nhân tham gia tiêm chủng không nên chọn lựa, dẫn tới khó khăn cho việc phân bổ vắc xin, vì hiện nay vắc xin chưa đáp ứng đầy đủ đến người dân. Theo kế hoạch của tỉnh An Giang trong thời gian tới sẽ được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ để tiêm đến người dân từ 18 tuổi trở lên, nên mọi người hãy an tâm. Trong thời gian này, mọi người dân hãy thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế; đồng thời chấp hành tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và của UBND huyện về phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay. Để đảm bảo an toàn trước và sau tiêm chủng vắc xin COVID-19, ngành Y tế chúng tôi có những lời khuyên sau:

1. Khi đến điểm tiêm chủng vắc xin COVID-19: Mọi người chúng ta luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn có cồn, đảm bảo khoảng cách, đảm bảo không ai nói chuyện với ai. “Đây là cách làm không để xảy ra dồn ứ, không tụ tập đông người”, đảm bảo các qui định phòng chống dịch COVID-19.

2. Khi đăng ký tiêm vắc xin: Đề nghị mọi cá nhân chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để khai báo nhanh chóng: Như số CMND (hoặc số thẻ CCCD), Số thẻ Bảo hiểm Y tế và khai báo đầy đủ thông tin cá nhân để được tư vấn kỹ lưỡng, tránh giấu thông tin sẽ để lại nguy cơ về sau. Tiếp theo đó nhân viên y tế sẽ hỏi thêm một số vấn đề về sức khỏe của người đăng ký tiêm, đo huyết áp, nhiệt độ, nhịp tim, khám sàng lọc tình trạng sức khỏe, đặc biệt là trường hợp trên 65 tuổi, người mắc một số bệnh lý nền. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định có đủ điều kiện để tiêm hay không tiêm và sau đó người đến tiêm chủng nếu quyết định tiêm vắc xin thì ký vào phiếu đồng ý tiêm vắc xin COVID-19.

3. Phải có tâm lý thoải mái trước khi tiêm: Tâm lý thoải mái sẽ giúp cơ thể sinh miễn dịch tốt và giảm đi các triệu chứng bất thường, kể cả triệu chứng nặng cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Thực tế, ở đợt tiêm đầu tiên tại huyện Tri Tôn cho thấy có nhiều người lo sợ, làm cho huyết áp tăng, trong khi những người này chưa từng tăng huyết áp bao giờ, Trong 2 đợt tiêm tiếp theo sau, chúng tôi theo dõi nhận thấy giảm hẳn, nhất là những người đã tiêm mũi 2 vẫn là vắc xin đó. Nguyên nhân một phần do yếu tố tâm lý. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý trước khi đi tiêm rất quan trọng, do đó ai chưa có tâm lý ổn định để quyết định tiêm, có thể đợi đến khi bớt lo thì đi tiêm là điều tốt nhất.

4. Những lời khuyên sau khi tiêm vắc xin COVID-19:

- Mọi người sẽ ở lại điểm tiêm ít nhất 30 phút để các y, bác sĩ theo dõi những phản ứng phụ sau tiêm và chúng tôi có phát tờ hướng dẫn theo dõi sức khoẻ khi về nhà để tiếp tục tự theo dõi trong vòng từ 07-30 ngày, đặc biệt theo dõi sát trong vòng 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

- Thông báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu bất thường sau đây: Mọi người cần tự theo dõi kỹ, ghi nhận và đánh giá trường hợp sức khỏe của mình. Khi cảm thấy lo lắng, bất thường sau tiêm mà không giải thích được, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Cụ thể hơn, các trường hợp như phù nề, đau bụng, nhịp tim nhanh là biểu hiện sớm của phản vệ cần thông báo y tế để xử trí. Sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không thấy giảm hoặc một thời gian ngắn lại sốt cao cũng là trường hợp nguy hiểm cần theo dõi. “Nhớ rằng không tự điều trị, không đắp bất cứ gì lên vị trí tiêm”

- Vận động nhẹ nhàng ngay sau tiêm: Hạn chế vận động mạnh kể cả người khỏe mạnh, tự tin vào sức khỏe. Lưu ý nghỉ ngơi hợp lý, không nằm suốt ngày, ăn uống đầy đủ. Không vì khó chịu chán ăn mà bỏ bữa, ăn đủ chất, uống đủ nước để hạn chế tình trạng sốt. Nên ăn hoa quả, bổ sung vitamin.

- Vẫn phải đảm bảo 5K: Người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi vẫn có thể bị nhiễm, vì vậy ngoài việc phòng vệ cho bản thân, thì phải phòng vệ cho cả cộng đồng.

5. Những điểm cần lưu ý và thận trọng: Hiện nay, Việt Nam chưa áp dụng tiêm vắc xin COVID-19 theo hình thức dịch vụ, trước mắt vắc xin được tiêm hoàn toàn miễn phí. Nên mọi người không được tin vào những thông tin bên ngoài, mà hãy liên hệ với người có trách nhiệm về tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế nơi mình cư trú./.

Thông điệp 5K + Tiêm vắc-xin

là lá chắn thép phòng chống đại dịch COVID-19

 

BS. Nguyễn Văn Bảy

Khoa KSBT, TTYT huyện Tri Tôn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang