Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Đồng hành hạn chế tự tử tuổi vị thành niên

01:40 11/10/2021

Tự tử là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đặc biệt là các mốc thay đổi tâm lý như tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi. Những thay đổi về hoocmon ảnh hưởng đến cảm xúc của vị thành niên, nếu không kịp thời can thiệp dễ dẫn đến các hành động nông nổi như bỏ nhà, tự tử.

Tuổi vị thành niên nằm giữa giai đoạn trẻ em và người trưởng thành, trẻ luôn muốn chứng minh mình là người trưởng thành nên thường quan sát những hành động của người lớn và thực hiện theo mà chưa biết hết việc đó là có lợi và gây hại như thế nào. Tâm trạng rất dễ thay đổi, thường dễ khóc hơn, bất cứ việc gì cũng khiến trẻ vui, hạnh phúc hay buồn nhanh chóng. Sự thay đổi về cơ thể và dậy thì sớm làm trẻ cảm thấy thiếu tự tin, cảm thấy bản thân khác các bạn nên e dè, ít thể hiện, sống khép kín lại dễ dẫn đến trầm cảm. Trẻ phát triển và thể hiện sự độc lập của mình, sẵn sàng tranh cải với cha mẹ để bảo vệ điều mình cho là đúng, hoặc nói dối để tránh đối đầu trực tiếp với cha mẹ. Sự thể hiện rõ ràng là cách thay đổi về phong cách bên ngoài như kiểu tóc, trang phục đôi khi chính những thay đổi làm cha mẹ khó chấp nhận được.

Trong giai đoạn vị thành niên, trẻ như trên tàu lượn siêu tốc về cảm xúc, nếu cha mẹ không nắm bắt được những thay đổi này mà xem con cái như đứa trẻ nhỏ dạy con theo hình thức cấm đoán hay răn đe chỉ làm trẻ càng tăng sự phản kháng. Khi mâu thuẫn tăng cao, đưa đến tình trạng thường gặp là trẻ sẽ giữ khoảng cách với cha mẹ, không chia sẽ những vấn đề trong cuộc sống cũng như chuyện học tập, bạn bè. Trẻ dễ nhầm đường, nghe theo lời dụ dỗ tham gia các hội nhóm hoặc những thói quen không tốt như hút thuốc lá, rượu bia, ma túy, tụ tập đánh nhau… Một số trẻ sống nội tâm khép kín, dễ nảy sinh các suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm và cuối cùng tìm đến con đường giải thoát là tự tử.

Chính những thay đổi nhanh chóng này, phụ huynh cần quan tâm con cái và chia sẻ với vai trò là bạn đồng hành và là người đi trước chia sẻ kinh nghiệm, hạn chế lấy quyền cha mẹ ngăn cản. Thể hiện sự tôn trọng trẻ, không xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, đặc biệt những nơi có đông người, điều này không đồng nghĩa với việc để mặc trẻ muốn làm gì thì làm, mà phải âm thầm quan tâm, can thiệp kịp thời tránh để xảy ra các tình huống gây hại cho trẻ. Quan trọng hàng đầu là cần chia sẻ với con những thay đổi hoặc các vấn đề có thể gặp phải trong giai đoạn này, loại bỏ suy nghĩ “vẽ đường cho hưu chạy”. Hãy là người bạn đồng hành, cùng con bước qua giai đoạn vị thành niên./.

Trương Thị Kiều Hoa – TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang