Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Cùng tìm hiểu về bệnh dịch tả Lợn Châu Phi

04:23 15/07/2019

Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và lây lan nhanh tại các địa phương trên cả nước. Các Bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành trực thuộc đều vào cuộc quyết liệt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân cũng như người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu thịt lợn khi dịch bệnh đi qua.

* Vậy Bệnh dịch tả lợn châu Phi là gì?

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã), bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu và dịch nhầy của lợn bệnh, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của lợn và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trở nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

* Đặc điểm của vi rút dịch tả lợn châu Phi?

Vi rút dịch tả lợn Châu Phi có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Vi rút dịch tả lợn Châu phi có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp: ở trong thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao vi rút có thể tồn tại được 3-6 tháng; ở nhiệt độ 560C tồn tại được 70 phút; ở nhiệt độ 60% trong 20 phút; trong máu đã phân hủy được 5 tuần; trong máu khô được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu ở nhiệt độ 40C được 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 390C được 150 ngày, trong giăm bông được 140 ngày.

* Đường lây truyền bệnh dịch tả lợn châu Phi?

Vi rút dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa ở heo, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh.

* Cách phòng chống dịch tả lợn châu phi

Hiện nay chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị được bệnh Dịch tả châu Phi, vì vậy để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn và đảm bảo

An toàn thực phẩm cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

Khi mua nguyên liệu từ các sản phẩm tươi sống từ thịt lợn phải đảm bảo cáo điều kiện sau đây: phải mua có dấu kiểm dịch thú y và cách loại giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.

Phải rửa nguyên liệu thật kỹ với nước sạch nhiều lần trước khi đem đi chế biến. Sau đó người trực tiếp sơ chế và chế biến phải rửa tay thật kỹ bằng xà phòng theo quy trình 06 bước rửa tay.

Thực hiện theo chế độ ăn chín uống chín để đảm bảo an toàn khi sử dụng thực phẩm.

Khi chế biến phải nấu kỹ với nhiệt độ sôi đảm bảo thịt và các sản phẩm từ thịt lợn phải được chin hoàn toàn.

Khi bảo quản nguyên liệu nên rữa thật kỹ nguyên liệu nhiều lần với nước sạch và được bao gói thật chắc chắn (sử dụng hộp có nắp đậy kín,..) để trong ngăn đông của tủ lạnh.

* Khi có bệnh xuất hiện, cần làm gì?

Thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã phường, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất bất khi khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu.

Tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Thú y .

Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng.

Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi (Lợn chết, phải thiêu hủy).

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống theo đúng quy định của Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt phải dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã có lợn, sản phẩm lợn được xác định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

* Cộng đồng không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh vì?

Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

BS.CKI Phạm Hồng Thanh

TTYT Tp. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang