Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Dinh dưỡng cho trẻ dưới 12 tháng

10:37 01/11/2021

Dinh dưỡng hợp lý trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ như thế nào để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi bằng sữa mẹ thì ngay sau đẻ trong vòng 1 giờ, bà mẹ nên bắt đầu cho con bú sớm sẽ kích thích sữa bài tiết, trẻ sẽ nhận được sữa non giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn sau đẻ và thải phân nhanh, trẻ đỡ vàng da Đặt trẻ vào vú mẹ và giúp trẻ ngậm bắt vú tốt để trẻ nhận đủ sữa. Cho trẻ bú theo nhu cầu và nên cho bú kiệt một bên vú rồi mới chuyển sang vú bên kia để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo. Điều quan trọng là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ đáp ứng đủ nhu cầu nước và các chất dinh dưỡng không cần cho trẻ ăn thêm bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác (kể cả nước trắng).

Sữa mẹ là thức ăn đầu tiên và tốt nhất đối với trẻ, nhưng đến một tháng tuổi nhất định (sau 6 tháng tuổi), vì sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng lớn lên của trẻ nên trẻ cần được ăn bổ sung. Để trẻ phát triển tốt, khoẻ mạnh và thông minh cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.

Ăn bổ sung (hay còn gọi là ăn sam/ăn dặm) là ăn uống thêm ngoài bú sữa mẹ.

Ăn bổ sung hợp lý là gì? Là cho trẻ ăn các loại thức ăn khác ngoài bú sữa mẹ như: bột, cháo, cơm, rau, hoa quả, sữa đậu nành, sữa bò, trứng, thịt, cá, tôm,... theo đúng độ tuổi, đủ về số lượng, chất lượng, cân đối giữa thành phần các chất dinh dưỡng và được chế biến theo đúng phương pháp.

 Như trên đã nói, trong vòng 6 tháng đầu chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ, trong trường hợp người mẹ thiếu sữa hoặc phải đi làm thì cho trẻ ăn các loại sữa bột công thức dành cho trẻ dưới 6 tháng hoặc sữa đậu nành.

Từ tháng thứ 7 trở đi (tức là từ tròn 180 ngày trở đi), ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung các loại thực phẩm khác

Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều và nhất thiết phải tập cho trẻ ăn quen với những thực phẩm mới.

Số lượng thức ăn và số lần cho ăn tăng dần theo tháng tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị của trẻ.

Sử dụng đa dạng các nhóm thực phẩm sạch, tươi và chế biến bảo quản hợp lý.

Tăng thêm dầu mỡ để đảm bảo nhu cầu lipid, cung cấp năng lượng cao cho trẻ hoạt động và phát triển

Dụng cụ chế biến sạch, rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến và cho trẻ ăn.

Cho trẻ bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt.

Không cho trẻ ăn bánh kẹo/uống nước ngọt trước bữa ăn.

Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn hàng ngày đều có thể cho trẻ ăn được, trừ rượu, bia và các loại gia vị chua, cay.

Trẻ nhỏ không cần kiêng dầu, mỡ, rau xanh, cá, tôm, cua, trứng, thịt... vì một lượng nhỏ các loại thức ăn này cũng giúp cho trẻ khoẻ mạnh.

Phải đa dạng hoá trong bữa ăn bổ sung của trẻ, đó chính là phương pháp tô màu bát bột, làm cho bát bột của trẻ có màu sắc của các loại thực phẩm./.

Ds. Trần Văn Chí - TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang