Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sạch, mức độ sạch của từng loại nước

10:06 25/03/2022

Nguồn nước sạch là nước đã qua hệ thống xử lý từ nhà máy đảm bảo được kiểm định nghiêm ngặt về độ sạch, độ an toàn trước khi đưa đến tay người dùng, giúp quá trình ăn uống, nấu nướng và sinh hoạt được bảo vệ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nước đó liệu có thực sự an toàn, đảm bảo vệ sinh cho người dùng hay không?

Nguồn nước như thế nào được đánh giá là an toàn

Theo Bộ Y tế đã đưa ra tiêu chuẩn cho nguồn nước sạch là QCVN 01:2009/BYT, với hơn 109 chỉ tiêu về nồng độ cho phép của các chất có trong nước như mùi vị, màu sắc, độ trong đục, độ kiềm, độ cứng, độ pH, chất rắn hòa tan, hàm lượng chất hữu cơ và vô cơ, mức độ nhiễm xạ, vi sinh vật….

Các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sạch

Nguồn sạch ngày càng bị ô nhiễm nặng và trở nên khan hiếm, nguyên nhân đến từ nhiều phía, có cả chủ quan và khách quan. Dưới đây là 5 nguyên nhân làm nước sạch bị ô nhiễm.

1. Nguyên nhân khách quan đến từ tự nhiên

Chủ yếu là do quá trình mưa bão, lũ lụt, tuyết tan… đó là chưa kể đến các hoạt động của các sinh vật và xác động vật chết. Khi cây cối hoặc động vật, sinh vật chết, chúng sẽ bị phân hủy thành chất hữu cơ và ngấm xuống lòng đất và sau đó đi vào nước. Chính điều này sẽ dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, tiếp đến là nước mặt sông, suối, ao, hồ, mương….

2. Nguyên nhân đến từ các khu nhà máy, công nghiệp...

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển gây sức ép lớn đến tài nguyên nước. Các hoạt động sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp thường thải ra nước thải. Nước thải công nghiệp có thành phần không cố định, chứa nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

3. Nguyên nhân từ hoạt động sinh hoạt

Nước thải, rác thải sinh hoạt được thải trực tiếp ra ngoài sông, ao hồ, kênh rạch… khiến cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại thành phố và nông thôn tăng. Ngoài ra, tại nhiều cơ sở, bệnh viện hệ thống thu gom và xử lý nước thải vẫn chưa được triệt để dẫn đến ô nhiễm nước ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn.

4. Nguyên nhân từ chăn nuôi và trồng trọt nông nghiệp

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không thể tránh khỏi tình trạng thức ăn thừa hay phân... Ngoài ra, trong quá trình trồng trọt, đa phần người nông dân đều phải sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tránh sâu bọ và tăng khả năng sinh trưởng cho cây, tuy nhiên, họ không biết rằng, lượng hóa chất tồn dư sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước mặt và lâu dần ngấm xuống tầng nước ngầm gây ô nhiễm.

5. Nguyên nhân từ ý thức của con người

Nhận thức kém, tư tưởng lạc hậu về việc bảo vệ môi trường nước cùng cơ sở hạ tầng bị hạn chế, thiếu hụt dẫn tới ô nhiễm nước. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý đến từ các cấp, các tổ chức còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, nhiều lỗ hổng khiến người dân chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là vấn đề nước sạch. 

Đánh giá chất lượng mức độ sạch của từng loại nước

1. Nguồn nước máy: Là loại nước đã được xử lý bằng hóa chất bên trong các nhà máy sản xuất nước sạch, nhưng trong quá trình vận chuyển đến tay các hộ gia đình sẽ vẫn có khả năng bị nhiễm chì, chất bẩn, kim loại do rò rỉ đường ống nước hay sự cố khác. Vì thế, dù là nước sạch nhưng cũng không nên uống trực tiếp, mà hãy xả nước ra ngoài để chừng 1 phút trước khi sử dụng.

2. Nguồn nước giếng: Là loại nước chỉ được lọc thô bằng những vật dụng đơn giản nên rất khó có thể kiểm soát được mức độ sạch của nước. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường Việt N, có khoảng 76% số người dân ở nông thôn đang phải sống chung với phần nước thải chưa được xử lý. Thêm đó là việc lạm dụng chất bảo quản thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng làm cho tình trạng ô nhiễm nước gia tăng hơn.

3. Nguồn nước mưa: Là loại nước hứng sau những cơn mưa, do quá trình bốc hơi, tích tụ trên các đám mây, khi đủ nặng thì nó rơi xuống. Nước mưa là loại nước được coi là khá sạch. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí như hiện nay thì nước mưa chưa chắc đã coi là sạch và an toàn.

4. Nước đóng chai: Là loại nước được xem là an toàn cho sức khỏe, do tuân thủ quá trình sản xuất như nguồn nước, mức độ cho phép của các chất, tiêu chuẩn nhãn hàng…. Tuy nhiên, có một thực tế là 25% nước đóng chai hiện nay là nước máy được tinh chế. Điều này khác với những gì mà các đơn vị nước uống đóng chai quảng cáo là nước khoáng tự nhiên.

5. Nước đun sôi để nguội: Nước đun sử dụng chủ yếu là nước máy và nước giếng khoan. Nước được đun lên được coi là nước an toàn, vì nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt hết vi khuẩn có trong nước, tuy nhiên, về phần kim loại thì không được loại bỏ. Với nước đun sôi để nguội, sau 24 giờ có thể trở thành nước thiu,

Những nguy hại từ nước ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe:

Việc nước ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người. Tỉ lệ mắc các bệnh có chiều hướng gia tăng, có thể kể như là các bệnh cấp, mãn tính về ung thư, tiêu chảy…/.

Lâm Thị Nguyệt - TYT xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang