Trong thời gian gần đây, tình hình mắc và tử vong do bệnh bạch hầu đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong 06 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 05 trường hợp mắc ở các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Thực hiện Công văn số 931/UBND-KGVX ngày 15/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát dịch trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:
Chủ động cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để có biện pháp khoanh vùng, cách ly sớm, đồng thời tham mưu Sở Y tế đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh để thu dung, điều trị, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng.
Xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; Hướng dẫn các đơn vị về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; tăng cường công tác truyền thông và chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu theo Công văn số 352/GDSKTƯ ngày 09/7/2024 của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương.
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh khu học tập, khu vui chơi, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể… Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y để phối hợp xử lý kịp thời.
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông đến các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đủ liều, đúng lịch.
Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) đã được phê duyệt tại Quyết định số 2155/QĐ-BYT ngày 25/5/2020 của Bộ Y tế.
Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang tổ chức tập huấn, tập huấn lại cho các tuyến về công tác giám sát phòng chống dịch, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Rà soát, củng cố nhân lực, đội cơ động phòng chống dịch và chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế cần thiết chống dịch hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch (nếu có).
Thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm”.
Đối với các bệnh viện công lập và tư nhân, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (hệ điều trị)
Bệnh bạch hầu rất dễ lây khi tiếp xúc gần người bệnh, người mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh.
Các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.
Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu để thực hiện xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. Thực hiện đúng các quy định về lấy mẫu bệnh phẩm đối với ca bệnh.
Tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly điều trị hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Rà soát và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Thường xuyên cập nhật trường hợp bệnh đầy đủ trên phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT khi phát hiện người mắc bệnh bạch hầu tại các khoa, phòng; rà soát đối chiếu với phần mềm thu dung bệnh (lưu ý tại phòng khám ngoại trú), không để sót đối tượng.
Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố (hệ dự phòng)
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em tại Tram y tế
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, lợi ích của tiêm vắc xin phòng chống bệnh và các biện pháp dự phòng mắc bệnh để người dân chủ động thực hiện.
Chỉ đạo tuyến cơ sở khẩn trương rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc chưa tiêm đầy đủ, để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi.
Tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, theo dõi các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh bạch hầu tại địa bàn, đối tượng nguy cơ (đối tượng tiếp xúc gần, đối tượng đến địa phương từ vùng có dịch) lập danh sách theo dõi; xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh; thực hiện theo dõi diễn biến bệnh/dịch hàng ngày theo quy định.
Củng cố đội chống dịch cơ động và chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế cần thiết chống dịch để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch (nếu có).
Củng cố hệ thống hoạt động giám sát dựa vào sự kiện (EBS) từ huyện đến cơ sở nhằm phát hiện sớm ca bệnh đặc biệt các ca bệnh ngoài cộng đồng.
Tổ chức kiểm tra, giám sát các tuyến cơ sở về quản lý ca bệnh truyền nhiễm trên phần mềm Thông tư số 54/2015/TT-BYT.
Đề nghị Giám đốc các đơn vị triển khai thực hiện./.
Nguồn: Công văn số 2060/SYT-NVY ngày 24/7/2024 của Sở Y tế An Giang
|