Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết.

02:22 06/05/2022

Vào ngày 05/5/2022, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 1305/SYT-NVY về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết.

Cụ thể:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong tỉnh đang gia tăng. Tính đến tuần 17/2022 tăng 247% so với trung bình 5 năm (2015-2020); so với cùng kỳ năm 2021 số ca mắc cộng dồn tăng 252% (1829/519), số ca sốc cộng dồn tăng 335% (87/20), theo nhận định thời tiết đang vào mùa mưa và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên số ca mắc và số ổ dịch có khả năng tăng cao hơn trong thời gian tới.

Nhằm khống chế dịch SXH không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế tối đa dịch chồng dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, hạn chế số trường hợp mắc, bệnh nặng, tử vong, giảm áp lực về phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Căn cứ Công văn số 2129/BYT-DP ngày 27/4/2022 của Bộ Y tế; Công văn số 1584/PAS-KSBT ngày 25/4/2022 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Công văn số 413/UBND-KGVX ngày 28/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

- Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cho các Trung tâm Y tế tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022), triển khai các hoạt động cần thiết về truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết nhằm phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

- Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh SXH trong toàn tỉnh, tham mưu cho Sở Y tế để chỉ đạo kịp thời.

- Chỉ đạo các tuyến cơ sở: Đảm bảo tổ chức phun hóa chất 100% các hộ  gia đình thuộc khu vực ổ dịch; Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.

- Hỗ trợ cho các tuyến việc tổ chức tập huấn, tập huấn lại về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch khi có yêu cầu.

- Chuẩn bị nhân lực hỗ trợ tuyến cơ sở về thực hiện điều tra, xác minh ca bệnh tại bệnh viện và cộng đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa phương, việc thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, giám sát côn trùng theo quy định.

- Rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Tham mưu Sở Y tế về chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng chuyên mục tọa đàm, Hỏi - Đáp về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong đó cần tập trung tuyên truyền các vấn đề người dân thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm, đồng thời tư vấn các giải pháp cụ thể để người dân ý thức, tự giác bảo vệ mình và gia đình trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

2. Bệnh viện đa khoa công lập và tư nhân, Bệnh viện Sản nhi:

- Tổ chức tập huấn, tập huấn lại nâng cao năng lực bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị SXH về phác đồ cấp cứu và điều trị.

- Tổ chức tốt công tác thu dung, đồng thời giao Bệnh viện Sản nhi An Giang xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực có kinh nghiệm hỗ trợ tuyến cơ sở trong công tác điều trị.

- Thực hiện đúng các quy định về quản lý thông tin ca bệnh SXH, các bệnh nhân được nhập liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời vào phần mềm trực tuyến, hỗ trợ cho khối dự phòng phát hiện và xử lý ổ dịch sớm.

- Tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch SXH tại bệnh viện để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân biết thực hiện các biện pháp phòng chống cho gia đình và cộng đồng.

- Rà soát thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

3. Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố:

- Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh SXH tại khoa khám, chữa bệnh và cộng đồng; theo dõi việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

- Tổ chức tốt công tác thu dung, sàng lọc và điều trị bệnh nhân, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc, tránh để bệnh nhân chuyển độ nặng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH.

- Chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu UBND địa phương:

+ Bố trí kinh phí địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan (Phòng Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh,…), đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH.

+ Phát huy vai trò của chính quyền, ban ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH. Tổ chức đoàn kiểm tra tại các vùng có dịch và có nguy cơ, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy; đồng thời đảm bảo các biện pháp trong phòng, chống COVID-19.

- Củng cố, tăng cường hoạt động công tác giám sát dựa vào sự kiện (EBS) nhằm phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch ngoài cộng đồng để xử lý dịch kịp thời.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 12 (15/6/2022) theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

- Đảm bảo phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực có dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng.

- Tổ chức tập huấn, tập huấn lại về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, diệt lăng quăng, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, cộng tác viên.

- Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, hóa chất, nhân lực hỗ trợ tuyến cơ sở đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang