Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

10:26 06/06/2022

Vào ngày 03/6/2022, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 1712/SYT-NVY về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

 

Cụ thể:

Thực hiện Công văn số 2835/BYT-MT ngày 01/6/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Đề tiếp tục thực hiện hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ trong phòng chống tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước ở trẻ em, nhất là trong mùa hè, mùa mưa, bão sắp đến; góp phần vào sự phát triển bền vững của gia đình, cộng đồng, xã hội; giảm thấp nhất tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích và chết do đuối nước trẻ em, Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC):

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai:

+ Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em;

+ Triển khai các nhiệm vụ của ngành Y tế trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ, từ đó làm tiền đề tiến hành xây dựng các mô hình Cộng đồng an toàn - phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây TNTT và đuối nước cho trẻ em;

+ Tổ chức tập huấn cho mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, hội viên Hội chữ thập đỏ, tình nguyện viên, cộng tác viên về sơ cấp cứu, cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng nhằm đảm bảo sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp TNTT, đuối nước trẻ em.

2. Bệnh viện Sản nhi: Phối hợp với CDC tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế về nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về sơ cấp cứu và điều trị nhằm đảm bảo sơ cứu, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp TNTT, đuối nước trẻ em; hướng dẫn, củng cố hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để sẵn sàng đáp ứng y tế khi có xảy ra TNTT, đuối nước trẻ em.

3. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

- Tham mưu UBND phối hợp với các ban ngành:

+ Tổ chức thông tin rộng rãi cho cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu tại chỗ, cách xử trí và sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ bị TNTT, đuối nước trong khi chờ cán bộ y tế đến, số điện thoại gọi cấp cứu hiện có trên địa bàn.

+ Tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống và sơ cứu, cấp cứu TNTT, đuối nước trẻ em cho các nhóm đối tượng như: Giáo viên dạy bơi, người trông trẻ, người phụ trách công tác y tế trường học, công an giao thông đường thủy,…;

+ Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống giám sát TNTT, đặc biệt là các trường hợp TNTT, đuối nước trẻ em tại cộng đồng để kịp tời xác định điểm nguy cơ và đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp;

+ Chỉ đạo tuyến cơ sở tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình xây dựng Cộng đồng an toàn - phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em tại cộng đồng.

- Chỉ đạo các Trạm y tế củng cố đội cấp cứu lưu động, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn sơ cấp cứu, cấp cứu, điều trị của tuyến trên khi có tổ chức.

- Rà soát trang thiết bị trong chăm sóc chấn thương thiết yếu tại Trạm Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 12/2008/QĐ-BYT ngày 27/02/2008 về việc ban hành “Tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng của nhân viên y tế và trang thiết bị trong chăm sóc chấn thương thiết yếu”.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhất là các đơn vị ở khu vực thường xuyên bị lũ về; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT, đuối nước cho gia đình và trẻ em.

Học bơi là cách tốt nhất để phòng tránh đuối nước. Ảnh: chinhphu.vn

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo về Sở Y tế (Phòng Nghiệp vụ Y) để tham mưu Ban Giám đốc hỗ trợ kịp thời./.

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang