Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin tức Sự kiện

Kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và Ứng dụng Công nghệ thông tin ngành Y tế tỉnh An Giang năm 2023, định hướng đến năm 2030

10:57 24/03/2023

Vào ngày 22/3/2023, Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Kế hoạch số 36/KH-SYT về việc Kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và Ứng dụng Công nghệ thông tin ngành Y tế tỉnh An Giang năm 2023, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể:

MỤC TIÊU

Chủ đề chuyển đổi số năm 2023:

“Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”

Mục tiêu tổng quát

- Ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là: Phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành y tế trên cơ sở dữ liệu thời gian thực để xử lý khối lượng công việc. Tập trung thực hiện Chuyển đổi số y tế  thành công trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, sử dụng các dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu, có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

 

Mục tiêu năm 2023: Căn cứ mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang và mục tiêu phát triển Chuyển đổi số của ngành, Sở Y tế xác lập mục tiêu cụ thể phải đạt trong năm 2023 như sau:

Về chính quyền số:

- 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến toàn trình.

- 60% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực y tế thực hiện ở mức độ 4.

- 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị y tế sự nghiệp công lập (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử.

- 100% công tác báo cáo thống kê y tế tổng hợp được thực hiện qua phần mềm Thống kê y tế của Bộ Y tế ban hành.

- 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập triển khai tích hợp chữ ký số, chữa ký điện tử thực hiện cấp giấy chứng từ liên thông Cổng dịch công quốc gia.

- 100% đơn vị y tế trực thuộc tham gia triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung ngành y tế.

Về kinh tế số, xã hội số

- Có ít nhất 01 cơ sở y tế hạng 3 trở lên đạt Bệnh án điện tử.

- 100% bệnh viện sử dụng hóa đơn điện tử;

- 80% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến.

- 50% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;

- 50% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;

Về dữ liệu số

- 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng với bảo hiểm y tế phải cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định;

- 80% các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai giải pháp truyền tải dữ liệu hồ sơ sức khoẻ, dữ liệu khám chữa bệnh của người dân tới các kho dữ liệu của Sở Y tế, Bộ Y tế khi có yêu cầu.

Về nhân lực số

- 100% các bệnh viện hình thành hệ thống tổ chức chuyên trách CNTT: có phân công cán bộ chuyên trách CNTT; thành lập phòng hoặc tổ CNTT.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT trong các đơn vị y tế được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản.

Mục tiêu định hướng đến năm 2030

- 100% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực y tế được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

- 100% hồ sơ công việc tại Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu y tế.

- 100% người dân được sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh thông minh.

- 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và sử dụng thường xuyên.


 

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Chuyển đổi nhận thức số

- Xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của từng đơn vị y tế; đổi mới hoạt động khám, chữa bệnh, phương thức sống, làm việc của nhân viên y tế nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, là nguồn lực cho chuyển đổi số, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, bảo đảm người dân được thụ hưởng thực chất, hiệu quả và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.

- Tổ chức các hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số ngành y tế, hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia hằng năm (ngày 10/10);

- Cán bộ, công chức, viên chức người lao động tham gia và phổ biến kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia”  trên Zalo.

Hoàn thiện thể chế số

- Triển khai cơ chế tài chính, cơ chế thuê dịch vụ cho các dịch vụ y tế số và định mức chi trả cho các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tính giá dịch vụ CNTT trong giá dịch vụ y tế khi có hướng dẫn của các Bộ, ban ngành Trung ương.

- Thường xuyên tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực CNTT y tế theo quy định của các văn bản luật mới ban hành.

- Căn cứ các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện xây dựng hướng dẫn cụ thể các quy định để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

- Thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý, thu thập và sử dụng cơ sở dữ liệu y tế.

- Triển khai các hướng dẫn, quy định về xác thực điện tử trong ngành y tế.

Phát triển chính quyền điện tử, chính phủ số

- Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ.

- Tăng cường áp dụng các hệ thống thông tin quốc gia về y tế bao gồm: hệ thống thông tin thống kê y tế, nhân lực y tế, tài chính y tế, khám chữa bệnh, y dược học cổ truyền, y tế dự phòng, môi trường y tế, HIV/AIDS, an toàn thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị và công trình y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, khoa học công nghệ trong y học,...

- Tham gia vận hành, triển khai thử nghiệm “Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Y tế” (IOC) đồng thời kết nối với IOC cấp tỉnh, cấp huyện phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, làm cơ sở mở rộng đến tất cả địa phương.

- Thực hiện chiến lược chuyển đổi số "4 không 1 có" là làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa.

Phát triển nền tảng số trong y tế

- Tập trung phát triển và sử dụng 04 nền tảng số y tế được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể:

+ Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử;

+ Nền tảng Quản lý tiêm chủng;

+ Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa;

+ Nền tảng Trạm y tế xã;

Phát triển hạ tầng số y tế

- Xây dựng và tạo lập kho dữ liệu số ngành Y tế tỉnh An Giang.

- Triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử tại cơ quan Sở Y tế và các cơ sở y tế.

- Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trang bị đủ máy tính để bàn và các thiết bị CNTT cần thiết phục vụ cho các hoạt động chuyên môn và công tác quản lý điều hành, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

- Hoàn thiện hệ thống kết nối trực tuyến và vận hành thường xuyên phục vụ hiệu quả trong công tác hội họp, tập huấn, kết nối với các bệnh viện lớn của vùng, cả nước để nâng cao năng lực điều trị, chất lượng khám, chữa bệnh.

- Khi đầu tư, mua sắm thiết bị, phần mềm, triển khai các dự án, thuê dịch vụ CNTT phải lựa chọn giải pháp bảo đảm bắt buộc có hỗ trợ đồng thời cả công nghệ IPv4 và IPv6; Đối với các hạng mục, dự án, hệ thống đang triển khai theo hình thức thuê dịch vụ CNTT thì khi gia hạn mới phải bắt buộc bổ sung giải pháp có hỗ trợ đồng thời cả công nghệ IPv4 và IPv6 (nếu trước đó chưa có).

Phát triển dữ liệu số y tế

- Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành Y tế, triển khai Trung tâm điều hành Y tế thông minh (IOC Y tế) cung cấp số liệu phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách của ngành y tế, liên thông dữ liệu về hệ thống IOC từ cấp huyện, thị, thành phố đến cấp tỉnh. Bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn thông tin;

- Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức triển khai số hóa dữ liệu y tế (bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, xét nghiệm, ...) và cung cấp dữ liệu khám chữa bệnh cho các nền tảng số y tế. Đảm bảo kết nối, nền tảng kỹ thuật, liên thông, chia sẻ dữ liệu theo quy định;

- Dữ liệu được ký số có giá trị lưu hành trên môi trường mạng và người ký sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã xác nhận bằng chữ ký số;

- Xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định y học lâm sàng.

Phát triển nguồn nhân lực số y tế

- Hình thành các bộ phận chuyên trách về CNTT hoặc cán bộ có chuyên môn về CNTT tại các cơ quan đơn vị thuộc ngành y tế.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm trong công việc; Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong công việc của cán bộ, công chức ngành y tế trong việc xử lý các công việc hằng ngày.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách cho cán bộ làm CNTT y tế, thu hút nhân sự bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vận hành, khai thác, khai phá dữ liệu lớn ứng dụng trong y tế, tránh tình trạng chảy máu chất xám.

Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng

- Quán triệt hai nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng, cụ thể là hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn thông tin mạng chưa đưa vào sử dụng và hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức đào tạo hoặc cử nhân sự chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin/công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin.

Phát triển kinh tế số trong y tế

- Phát triển kinh tế số trong y tế với trọng tâm là thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường trải nghiệm, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ y tế, cụ thể là các cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh tiến trình tiến tới bệnh viện thông minh, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân (kể cả khi ra viện) trên nền tảng số:

+ Triển khai hệ thống phần mềm HIS (Hệ thống quản lý bệnh viện), LIS (Hệ thống thông tin quản lý phòng xét nghiệm), RIS/PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa), EMR (Bệnh án điện tử) tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân...) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa;

 

+ Xây dựng “Bệnh viện thông minh”: Các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ Tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tỉn tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng “bệnh viện thông minh” (Mức 6 của Thông tư 54).

+ Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt;

+ Triển khai Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa;

+ Triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên toàn tỉnh;

+ Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh;

Phát triển xã hội số

- Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức triển khai đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến bằng nhiều hình thức: tổng đài, website, ứng dụng trên điện thoại thông minh.

- Áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng dẫn tại văn bản số 288/KH-UBND ngày 16/05/2022 của UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường mạng.

- Triển khai Nền tảng Trạm Y tế xã, hồ sơ sức khỏe và tiêm chủng.

Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, mô hình triển khai y tế thông minh tại các tỉnh, thành trên cả nước.

- Tham gia mạng lưới nhân lực thực hiện chuyển đổi số y tế thống nhất từ cấp trung ương đến cơ sở.

 

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang