Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

STRESS VÀ CHỨNG RỐI LOẠN TÂM THẦN

01:27 07/11/2018

Sức khoẻ tâm thần (SKTT) là trạng thái không những không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái. Muốn có một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái cần phải nâng cao chất lượng cuộc sống và sự cân bằng hài hoà các mối quan hệ trong môi trường xã hội.

Là một bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra: nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sang chấn tâm thần, bệnh cơ thể… làm rối loạn chức năng phản ánh thực tại. Vì các quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, ý thức bị sai lệch cho nên người bệnh về SKTT có những ý nghĩ, cảm xúc, hành vi, tác phong không phù hợp với thực tế, với môi trường xung quanh. Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Các nhà chuyên môn xếp những ảnh hưởng của bệnh tật về SKTT đứng hàng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Theo dự báo của WHO thì đến năm 2020 SKTT sẽ đứng thứ hai sau sức khỏe tim mạch. Mà một trong những nguyên nhân  làm não bộ bị rối loạn là do stress gây ra. Bởi stress làm thay đổi nội tiết, thay đổi yếu tố tâm lý từ đó gây ra bệnh lý khác. Stress gây căng thẳng thần kinh đang ngày trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong xã hội hiện đại. Nó xảy ra trong cuộc sống bởi nhiều nguyên nhân: Nỗi buồn khổ là một loại stress mà tâm trí và cơ thể phải chịu đựng khi những thói quen thông thường phải thay đổi và điều chỉnh, trong khi tâm lý chưa thích nghi và thoải mái với sự thay đổi này. Hay khi một người chịu áp lực quá lớn so với khả năng đảm nhận hay chịu đựng vì một công việc quá nặng nhọc, lao động quá giờ liên tục. Biểu hiện stress thấy rõ nhất là người bệnh mất hết hứng thú, không có khả năng tập trung; gây ảnh hưởng rõ ràng, nhất định đến công việc. Ngoài ra, người bệnh cũng có những biểu hiện suy yếu về mặt sức khỏe, cơ thể; thí dụ như rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về ăn uống, thậm chí còn gây ra vấn đề về sinh hoạt vợ chồng. Nói chung nó ảnh hưởng gần như tới mọi mặt của cuộc sống. Stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” khi gây hàng loạt tác động xấu lên cơ thể như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và thậm trí cả tự tử.

Ở tuổi thanh thiếu niên trong những năm đầu trưởng thành đang trong thời kỳ diễn ra rất nhiều thay đổi như môi trường sống, học tập, lao động. Đối với nhiều người đây là thời gian náo động trong cuộc đời. Đây cũng là lứa tuổi này dễ lĩnh hội và hiểu biết nhưng cũng dễ  bị stress. Trong một số trường hợp, nếu không phát hiện và giải quyết được thì sự nhạy cảm này có thể dẫn tới chứng rối loạn tâm thần. Một nửa loại bệnh này khởi phát từ 14 tuổi nhưng hầu hết không được phát hiện và điều trị. Trầm cảm chiếm 1/3 nguyên nhân gây ra gánh nặng này của tuổi trẻ. Tự tử là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở lứa tuổi từ 15 đến 29. Tác hại của bia rượu và các chất ma túy là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn hoặc lái xe trong trạng thái nguy hiểm. Các rối loạn ăn uống cũa là một vấn đề cần quan tâm. Ngày nay, để đối đầu với sự thay đổi của xã hội công nghiệp; phát triển nhận thức sớm là yếu tố quan trọng giúp tuổi trẻ gây dựng trạng thái tâm thần kiên cường. Việc bảo vệ sức khỏe thanh thiếu niên sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho sức khỏe trước mắt và lâu dài; mà nó còn lợi ích cho kinh tế và xã hội. Với sức khỏe tốt khi trưởng thành sẽ góp phần nhiều hơn trong việc làm cho bản thân,  gia đình cũng như toàn xã hội.

Bệnh rối loạn tâm thần thường không gây chết đột ngột nhưng làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn thất cả về kinh tế. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời để chăm sóc bảo vệ SKTT cho mọi người là một hướng đi lâu dài, cần phấn đấu liên tục để tiến dần từng bước, cuối cùng đạt được mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống” của con người.

Nguyễn Minh Thời - TTYT huyện Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang