Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

100 thực đơn dinh dưỡng trong bệnh viện dành cho bệnh nhân

03:45 09/08/2018

Thực đơn dành riêng cho người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai nằm viện được các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu, biên soạn.

Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị “Tăng cường chất lượng công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện” vừa diễn ra tại TP HCM. Hội nghị do Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế và Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM phối hợp tổ chức. NutiFood là đơn vị tài trợ chính cho hoạt động này cũng như nhiều chương trình của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM trong những năm qua.

Hội nghị giới thiệu đến 500 đại biểu ba bộ với 100 thực đơn dinh dưỡng chuẩn cho người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai nằm viện trong tài liệu “Hướng dẫn quy trình thực hiện công tác dinh dưỡng tiết chế”. Thực đơn do các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về dinh dưỡng, quản lý chất lượng, tiết chế, ẩm thực biên soạn dựa trên các hướng dẫn khoa học, mô hình dinh dưỡng tiết chế tại một số quốc gia tiên tiến và tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Đây là công cụ nhằm hỗ trợ các bệnh viện trong điều kiện thiếu nhân sự về dinh dưỡng tiết chế. 

Bên cạnh đó, tài liệu hướng dẫn còn cung cấp kiến thức, công cụ chuẩn cho các bệnh viện để thực hiện tốt công tác dinh dưỡng tiết chế như phiếu sàng lọc, phiếu đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân... 

Một trong những thực đơn dinh dưỡng tại bệnh viện được trình bày trong tài liệu.

Một trong những thực đơn dinh dưỡng tại bệnh viện được trình bày trong tài liệu.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, mục tiêu lớn nhất của trung tâm khi chủ trì nghiên cứu, cho ra đời tài liệu này là đưa ra hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến khâu chẩn đoán, chỉ định, sử dụng các phương án điều trị bằng dinh dưỡng cho người bệnh vào trong thực tế.

Bác sĩ Diệp chia sẻ thêm, người bệnh được điều trị bằng dinh dưỡng bên cạnh việc chăm sóc để rút ngắn thời gian chữa bệnh, giảm nguy cơ bị mắc các biến chứng do nằm viện và chế độ dinh dưỡng không phù hợp, tăng thời gian sống khỏe. Sau thời gian đưa vào áp dụng, chất lượng dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện cao hơn rất nhiều. Bà hy vọng trong tương lai, tài liệu được áp dụng rộng rãi, không chỉ ở bệnh viện mà còn trong cộng đồng.      

Dinh dưỡng và tiết chế là một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Các đại biểu đã đánh giá thực trạng, tiến bộ, thách thức trong việc thực hiện tiêu chí chất lượng dinh dưỡng tiết chế, nuôi con bằng sữa mẹ tại các bệnh viện trong những năm qua.

Hội nghị do Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế chủ trì. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế; Phó giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM; Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM; Tiến sĩ Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Dinh dưỡng, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cùng tham dự.

Gần 500 lãnh đạo, trưởng phòng quản lý chất lượng, trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế các bệnh viện tuyến tỉnh của 32 tỉnh thành phía Nam, các trường đại học và các hội y khoa tham dự hội nghị.

Gần 500 lãnh đạo, trưởng phòng quản lý chất lượng, trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế các bệnh viện tuyến tỉnh của 32 tỉnh thành phía Nam, các trường đại học và các hội y khoa tham dự hội nghị.

Đại diện Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, hầu hết các bệnh viện tại TP HCM và nhiều tỉnh thành hiện đã thành lập khoa hoặc tổ dinh dưỡng tiết chế. Tuy nhiên, hoạt động vẫn chưa thật sự có chất lượng do chưa được quan tâm; trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn hạn chế; tiêu chuẩn đánh giá không thống nhất, cung cấp suất ăn bệnh lý còn nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất hạn hẹp, thiếu nguồn nhân lực... Chất lượng dinh dưỡng tiết chế của hầu hết bệnh viện, tỷ lệ người bệnh được can thiệp dinh dưỡng còn ở mức thấp dẫn đến chậm phát hiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ về chất lượng công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện ở nước ta.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ về chất lượng công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện ở nước ta.

Theo thông tin từ hội nghị, suy dinh dưỡng ở người bệnh trong thời gian nằm viện khá phổ biến trên thế giới, 20-40% tùy theo các loại bệnh tật. Nghiên cứu năm 2016 tại TP HCM cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân là 34,1%. Suy dinh dưỡng dẫn đến nhiều hậu quả về sức khỏe. Đây là những lý do những chuyên gia dinh dưỡng đã biên soạn và cho ra mắt tài liệu trong hội nghị lần này.

Kim Uyên 

 

vnexpress.net