Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người năm 2024

10:05 05/03/2024

Ngày 01/3/2024, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 500/SYT-NVY gửi các đơn vị Y tế trong tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người năm 2024.

Theo báo cáo của Tổ chức Thú Y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) từ đầu năm 2023 đến hết tháng 01/2024 tổng cộng đã có 8.850 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do các chủng vi rút cúm A/H5 gây ra. Đặc biệt, trong năm 2023 tại Campuchia đã có 6 người bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1 (trong đó có 04 ca tử vong). Từ đầu năm 2024, tình hình dịch CGC ở Campuchia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đã có 04 người nhiễm cúm A/H5N1 (trong đó có 01 ca tử vong).

Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số ca mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con; Trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.

Trước nguy cơ dịch bệnh CGC xuât hiện, lây lan trên diện rộng và nguy cơ xâm nhiễm của vi rút CGC do quá trình nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Căn cứ Công văn số 795/VPUBND-KTN ngày 26/02/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch CGC, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì dịch CGC, Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai các nội dung cụ thể như sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (KSBT), Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (hệ dự phòng):

Đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, người đi từ vùng đang có dịch về địa phương nhằm phát hiện sớm các trường họp nghi ngờ/mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1…, đặc biệt là ở đối tượng người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định. Kết hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý phương tiện vận chuyển gia cầm bệnh, chết theo quy định.

Thực hiện công tác phối hợp và duy trì việc trao đổi thông tin với cơ quan Thú y tỉnh, huyện, xã và chính quyền địa phương về tình hình dịch bệnh trên gia cầm, gia súc bệnh, chết hàng loạt trên địa bàn, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ buôn bán gia cầm sống; có kế hoạch phối hợp điều tra, giám sát dịch cúm gia cầm trên người, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Tích cực tổ chức thu thập thông tin, chủ động giám sát, điều tra lấy mẫu xé nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên nghi nhiễm CGC, đặc biệt tại các chợ gia cầm sống, tiến hành ngay việc bao vây và xử lý sớm triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát lan rộng ra cộng đồng, quản lý ca bệnh (nếu có). Đẩy mạnh hoạt động hệ thống giám sát dựa vào sự kiện các tuyến.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Về công tác truyền thông: Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền giáo dục cộng đồng kiến thức và các biện pháp phòng, chống nhiễm cúm từ gia cầm lây sang người, nhất là tại khu vực có gia cầm bệnh, chết và những vùng có nguy cơ cao. Tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh, thực thức ăn từ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Củng cố nguồn lực, đội phòng chống dịch cơ động, và chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị chống dịch hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT và Quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Y tế với Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; Duy trì trao đổi thông tin, báo cáo ca bệnh theo đường dây nóng và theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm”.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân và hệ điều trị thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

Tiếp tục duy trì công tác giám sát ca bệnh hàng ngày tại các cơ sở điều trị, khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A và các chủng vi rút khác, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Trung tâm KSBT hoặc TTYT các huyện, thị xã, thành phố theo tuyến.

Thực hiện tốt việc báo cáo và thông tin nhanh ca bệnh nghi nhiễm về Trung tâm KSBT và TTYT huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

Rà soát và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, khu cách ly điều trị, trang thiết bị cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh theo quy định của Bộ Y tế; tiến hành chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh nhân cúm A/H5N1.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

Nguồn: Công văn số 500/SYT-NVY ngày 01/3/2024 của Sở Y tế An Giang

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang