Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin tức Sự kiện

Sở Y tế An Giang thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

09:52 05/03/2024

Ngày 01/3/2024, Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 492/SYT-NVY gửi các đơn vị Y tế trong tỉnh về thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vừa qua, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó đã đảm bảo được công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân vui xuân, đón Tết.

Dự báo thời gian tới, Tỉnh An Giang cùng với cả nước sẽ tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Để thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 187/UBND-TH ngày 20 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế trong tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Thủ trưởng các đơn vị tập trung triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh An Giang.

2. Tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, từ những kinh nghiệm đã có, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; Đồng thời, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng trở lại các công tác chuyên môn, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn; tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2024.

3. Cán bộ, công chức, viên chức chủ động, tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết. Không tổ chức các hoạt động du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến công việc, thời gian làm việc.

4. Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

- Tăng cường theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước; Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh tham mưu Sở Y tế chỉ đạo kịp thời.

- Chỉ đạo, theo dõi các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố:

Thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh hằng ngày tại khoa khám, chữa bệnh, cộng đồng, tại trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhất là học sinh trở lại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết; thực hiện tốt điều tra, xác minh ca bệnh/ổ dịch đồng thời triển khai các biện pháp xử lý khi có ca mắc bệnh truyền nhiễm.

Chủ động, tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch; khuyến khích, vận động người dân đưa trẻ và người thân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên. Khuyến cáo đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.

  •  Chuẩn bị thuốc, hóa chất, máy móc, vật tư, trang thiết bị..., đảm bảo đủ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ tuyến cơ sở đạt hiệu quả.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu đối với người qua lại biên giới, đặc biệt chú ý đối tượng đến từ các nước, khu vực đang có dịch, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người…; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm.

5. Đối với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm; Tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở cung cấp, sản xuất kinh doanh thực phẩm, chế biến nước uống, nước sinh hoạt, kịp thời phát hiện sai sót và xử lý, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ hội năm 2024.

- Duy trì việc trao đổi thông tin với cơ quan Thú y tỉnh, huyện về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.., để phối hợp điều tra, xử lý khi có xảy ra.

6. Đối với các Bệnh viện công lập và tư nhân:

- Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải.

- Nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến nhất là tuyến dưới.

- Củng cố năng lực Đội cấp cứu lưu động, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh hàng ngày tại đơn vị. Khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ là bệnh truyền nhiễm gây dịch như: Cúm A (H1N1, H5N1), hoặc tiêu chảy cấp nghi ngờ dịch Tả…, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gởi đến Trung tâm KSBT hoặc xét nghiệm tại đơn vị khi có đủ điều kiện.

7. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:

- Đối với hệ điều trị tại các TTYT huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác khám chữa bệnh phòng, chống dịch bệnh như các Bệnh viện tuyến tỉnh.

- Đối với hệ dự phòng:

+ Tham mưu UBND địa phương tổ chức tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn;

+ Kết hợp cùng các Ban ngành liên quan tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều tra dịch tễ, thường xuyên theo dõi, giám sát các trường hợp nghi ngờ/mắc, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, truy vết, quản lý kịp thời. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, đồng thời lưu ý các bệnh cúm gia cầm, bạch hầu, sởi, rubella, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng,… không để dịch bùng phát và lan rộng; thực hiện theo dõi diễn biến bệnh/dịch hàng ngày theo quy định.

+ Củng cố Đội chống dịch cơ động, đảm bảo trực phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị. Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo theo quy định.

+ Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, hóa chất, thuốc, nhân lực hỗ trợ cho tuyến cơ sở đáp ứng kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung trên./.

Nguồn: Công văn số 492/SYT-NVY ngày 01/3/2024 của Sở Y tế An Giang

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang