Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin tức Sự kiện

Sở Y tế An Giang hướng dẫn điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với vết thương từ động vật mắc bệnh dại và nghi dại

08:57 10/04/2024

Ngày 09/4/2024, Ông Đoàn Thanh Hùng – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 874/SYT-NVY về việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với vết thương từ động vật mắc bệnh dại và nghi dại

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2024 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người;

Thông báo số 923/TB-PAS ngày 29/3/2024 của Viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh về kết quả cuộc họp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm “Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với vết thương từ động vật mắc bệnh dại, nghi dại”;

Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị triển khai những nội dung sau:

Chuẩn bị sẵn sàng huyết thanh kháng dại tại đơn vị

Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, đặc biệt Bệnh viện Sản Nhi cần chuẩn bị có sẵn huyết thanh kháng dại để tiêm phòng sớm cho các bệnh nhân bị vết thương độ III do chó, mèo, động vật mắc dại, nghi dại cắn, cào khi đúng chỉ định. Việc này sẽ giúp hạn chế chuyển bệnh nhân qua lại giữa đơn vị phụ trách xử lý vết thương và đơn vị phụ trách tiêm huyết thanh kháng dại. Mặt khác, thực hiện tiêm phong bế huyết thanh kháng dại ngay tại bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong trường hợp cần phải gây mê, gây tê khi tiêm phong bế với các vết thương phức tạp, nhất là ở trẻ em.

Các bệnh viện cần chủ động xây dựng quy trình tiếp nhận xử lý, phòng ngừa dại đối với người bị chó, mèo cắn, cào và cần tổ chức tập huấn, giám sát thực hiện theo quy định hiện hành.

Xử lý vết thương ban đầu

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân và xử trí vết thương đầu tiên cần tuân thủ Hướng dẫn về xử lý vết thương ban đầu theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT về giám sát phòng chống bệnh trên người.

Cơ sở y tế có thể khâu cầm máu, nhưng đặc biệt lưu ý không khâu kín vết thương trước khi chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến cuối, cơ sở y tế có huyết thanh kháng dại để xử lý tiêm ngừa tiếp theo. Nếu không, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tiêm phòng. Đối với các vết thương phức tạp, có thể hội chẩn với ngoại khoa.

Hướng dẫn tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vắc xin dại

Bám sát Quyết định số 1622/QĐ-BYT về việc tiêm phòng huyết thanh kháng dại, lưu ý đối với các vết thương độ III mà động vật ốm, có triệu chứng dại, nghi dại hoặc mất tích, không theo dõi được, cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Huyết thanh kháng dại phải được tiêm phong bế tại vùng vết thương bị động vật cắn để huyết thanh kháng dại thấm sâu vào bên trong và xung quanh vết thương đến mức tối đa. Các vết thương ở vị trí giải phẫu đặc biệt (như các đầu ngón tay) cần phải được thấm đẫm một cách cẩn thận.

Tiêm vắc xin đủ liều, đúng phác đồ. Hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ các mũi tiêm phòng dại tiếp theo.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

Nguồn: Công văn số 874/SYT-NVY ngày 09/4/2024 của Sở Y tế An Giang

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang