Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Những bài thuốc dân gian và thực phẩm phòng chống cảm nắng.

03:05 02/04/2024

Mùa hè năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, dự báo nhiệt độ tăng hơn mọi năm, kéo dài và diễn ra trên diện rộng. Cảm nắng là bệnh thường gặp vào mùa hè có thể phát sinh ở mọi độ tuổi, nhưng hay gặp nhất ở người cao tuổi, người sau khi mắc bệnh nặng sức khỏe chưa hồi phục đầy đủ, người béo phì, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh đẻ, người có bệnh mãn tính…

NGUYÊN NHÂN.

Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cảm nắng (thương thử) hay say nắng (trúng thử), đều là do “chính khí” (sức chống bệnh của cơ thể) vốn đã suy yếu, lại cảm nhiễm phải “thử tà” từ bên ngoài mà gây nên bệnh. “Thử tà” xuất hiện trong mùa Hè, là loại “Dương tà” nên thường làm cho phần “Âm” bị thương tổn. “Thử tà” cũng tác động khiến mồ hôi phải tiết ra nhiều, làm cho phần “Khí” của cơ thể bị thương tổn. Kết quả là cả “Khí” và “Âm” đều bị thương tổn, Đông y gọi đó là “Khí Âm lưỡng hư“.

PHÒNG NGỪA.

Để nâng cao khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết nắng nóng, phòng ngừa say nắng, ngoài việc cải thiện môi trường lao động, làm việc nghỉ ngơi, sinh hoạt có điều độ… có thể sử dụng một số loại thức ăn, cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Từ xưa Y học cổ truyền đã rất coi trọng việc sử dụng các loại thức ăn để phòng ngừa và chữa trị say nắng, đồng thời cũng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm vô cùng quý giá. Trong điều kiện gia đình, để phòng trị say nắng, có thể căn cứ vào biểu hiện cụ thể mà sử dụng một số loại trà thuốc hoặc cháo thuốc dưới đây có tác dụng phòng ngừa cảm nắng và say nắng rất tốt.

1. Trà Lá Tre.

Thành phần gồm : Trúc diệp (lá tre hoặc lá trúc) 15-20g, nấu nước hoặc hãm nước sôi uống thay nước trong ngày.

Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, an thần. Có thể sử dụng để phòng ngừa say nắng, đồng thời còn có tác dụng giải trừ những chứng trạng khó chịu thường hay xuất hiện trong mùa hè, như người bồn chồn, khó ngủ hoặc mất ngủ, miệng lưỡi lở loét, …

2. Trà Hoắc Hương.

Thành phần :Hoắc hương 25g, lá chè xanh 15g; sắc hoặc hãm nước uống thay trà trong ngày.

Tác dụng: Thanh nhiệt, hóa đàm, trừ thấp. Phòng ngừa say nắng trong mùa Hè, đặc biệt thích hợp đối với những người có thể chất thuộc loại mà Đông y gọi là “đàm thấp”.

3.  Trà Sơn Tra- Ô Mai.

Thành phần gồm : Sơn tra (hoặc táo mèo) 25g, ô mai (giã nát) 18g, thêm chút đường phèn; nấu hoặc hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

Tác dụng: Tiêu thực, chỉ khát, sinh tân ích khí. Phòng ngừa cảm nắng và say nắng trong mùa Hè.

4. Cháo Chống Nóng Mùa Hè.

Đậu đỏ 50g, đậu xanh (để cả vỏ) 50g, gạo tẻ 100g; cùng vo sạch, nấu cháo. Tác dụng: Thanh nhiệt, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống bệnh của cơ thể.

Cháo đậu ván ý dĩ: Bạch biển đậu (đậu ván trắng, sao vàng) 50g, ý dĩ nhân (hạt bo bo) 50g, gạo tẻ 50g; cùng vo sạch, nấu cháo.

Tác dụng: phòng thử chỉ tả (chống nắng, phòng tiêu chảy), Kiện tỳ ích khí (tăng cường chức năng tiêu hóa).

Cháo kim ngân hoa cúc: Kim ngân hoa 6g, bạch cúc hoa 6g, xây bột mịn; dùng gạo tẻ nấu cháo, cháo chín trộn bột thuốc vào ăn.Tác dụng: Phòng ngừa và chữa trị say nắng.

    

Khi bị say nắng, thường có những biểu hiện chủ yếu như sau: Sốt cao, mặt trắng bệch hoặc xám ngắt, thở khò khè như suyễn, da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn, buồn ngủ. Trường hợp nặng thì bỗng nhiên ngã lăn, mê man bất tỉnh, hàm răng nghiến chặt.

Lưu ý: Các trường hợp cảm nắng nặng (ngất lịm, lú lẫn, nói lắp…) cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

PHÒNG TRÁNH.

Trong những ngày nhiệt độ không khí lên cao trên 35 độ C, làm việc dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, đều có thể dẫn tới say nắng. Để phòng tránh nên áp dụng các biện pháp sau:

Tránh ra ngoài đường vào giữa trưa sang chiều là lúc nhiệt độ ánh nắng mặt trời cao nhất, thời điểm này rất dễ bị say nắng.

Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát giúp cơ thể thông thoáng mồ hôi, ổn định thân nhiệt, hạn chế việc say nắng.

Uống nhiều nước (2,5-3 lít nước mỗi ngày) nước lọc, nước hoa quả, các loại nước giải nhiệt.

Tránh các hoạt động thể chất mạnh, lao động nặng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, thần kinh căng thẳng kết hợp với thời tiết nắng nóng rất dễ bị say nắng.

Vào mùa hè có thể tăng cường dùng các thức uống, món ăn giúp vừa bồi bổ tăng cường thể lực, vừa phòng ngừa cảm nắng, say nắng cho cơ thể rất tốt.

BS.CKI. Hàng Quang Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyên-Phục hồi chức năng tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang