Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang là xu hướng chung ở các ngành, các cấp, trong đó có ngành Y tế. Năm 2022, Bộ Y tế tập trung triển khai nhiều chương trình chuyển đổi số trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong lĩnh vực khám chữa bệnh bao gồm: cấp giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin COVID-19, cấp hộ chiếu vắc xin, hồ sơ bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử,…
Năm 2022, ngành Y tế An Giang đã triển khai, ứng dụng các nền tảng số y tế, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 được đặt ra là: Triển khai thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; Phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử, sử dụng sổ khám bệnh điện tử; Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 thực hiện Hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; Thực hiện kê đơn thuốc điện tử; Cấp Hộ chiếu vắc xin điện tử từ Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.
Từ tháng 10/2022, ngành Y tế An Giang phối hợp với VNPT An Giang xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Y tế và Trung tâm điều hành Y tế thông minh (IOC Y tế), dự kiến đến tháng 01/2023 sẽ triển khai chính thức. Theo đó, để IOC Y tế đi vào hoạt động thì các công việc phải thực hiện như đầu tư, lắp đặt trang thiết bị; xây dựng hệ thống báo cáo và bảng thông tin điều hành (dashboard) để hiển thị, phân tích số liệu; ngoài ra, còn phải đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật điều hành và vận hành IOC Y tế. Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt An Giang thực hiện nâng cấp Hệ thống thông tin khám chữa bệnh (HIS) đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo mức 6, nâng cấp hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm (LIS), chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng ở mức nâng cao theo quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT.
Trong quý I/2023, triển khai hệ thống quản lý bệnh án điện tử (EMR) và công bố triển khai thành công bệnh viện không giấy tờ tại Bệnh viện Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt An Giang. Tiếp theo trong quý II/2023, chọn Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, An Phú và Tịnh Biên để triển khai thử nghiệm EMR; quý III, IV/2023 sẽ triển khai nhân rộng cho các cơ sở y tế còn lại.
Có thể nói, việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Y tế có tác động tích cực đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, giúp chuyển đổi phương thức làm việc sang môi trường số, người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế số nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Minh Hải
Khoa TT-GDSK, TT.KSBT An Giang
|