Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11

08:12 29/11/2023

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường được coi là một trong bốn “đại dịch” của thế kỷ 21. Điều đáng lo ngại là hơn 65% người bệnh không biết mình mắc bệnh, tỷ lệ tiền đái tháo đường hiện nay là 27%. Chi phí để điều trị bệnh đái tháo đường chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế.

Nhằm hưởng ứng “Ngày vận động toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02/11); Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (14/11). Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn xây dựng kế hoạch số 1505/KH-TTYT ngày 16/10/2023 triển khai trên toàn huyện nội dung triển khai kế hoạch nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh đái tháo đường góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thời gian diễn ra từ ngày 30/10/2023 đến hết ngày 25/11/2023.

Bên cạnh đó TTYT huyện phối hợp với Trung tâm Văn hoá – Thể thao – Du lịch và truyền thanh huyện, tổ chức các cuộc tuyên truyền, phát thanh trên hệ thống loa đài huyện, cung cấp một số thông tin như sau:

- Độ tuổi thường mắc bệnh chủ yếu ở những người từ 40 – 60 tuổi. 

- Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thì sẽ tránh được nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Điều đáng quan tâm là dù sẽ sống chung với bệnh một thời gian dài, thì mọi người vẫn có được cuộc sống chủ động và vui khỏe như mong muốn.

- Biểu hiện của bệnh đái tháo đường thường có triệu chứng không rõ rệt và không gây cảm giác khó chịu mang tính chất ốm cho người bệnh, như cảm sốt, đau đầu, đau bụng, ho… Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh đái tháo đường thường thấy có thể là những biểu hiện như: Háo nước: uống rất nhiều nước và lúc nào cũng khát; Đi tiểu tiện nhiều lần trong ngày, kể cả đêm (nhiều người nghĩ rằng đó là do uống nhiều nước thì đi tiểu nhiều, nên không nhận ra đó là dấu hiệu bất thường. Chỉ đến khi cơ thể bị suy kiệt mới đến bệnh viện). Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như: Thường xuyên cảm thấy đói và ăn nhiều; Cơ thể mệt mỏi, khó tập trung vào học hành hoặc công việc, dễ nổi cáu; Nhìn sự vật mờ đi; Giảm cân nhiều trong một thời gian ngắn (gầy sút nhanh). Nếu bạn là người béo mập, thì xác suất bạn mắc bệnh là khá cao. Nên cách tốt nhất để có thể đảm bảo cơ thể bạn luôn được theo dõi tốt là hãy khám sức khỏe định kỳ. Đó cũng là cách để chúng ta phát hiện bệnh đái tháo đường sớm và tránh được những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe khi biến chứng xảy ra.

Nếu bạn nhận thấy mình có một hay nhiều hơn những dấu hiệu kể trên, hãy dành thời gian để đến kiểm tra sức khỏe tại những cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

 - Điều trị bệnh đái tháo đường không phải chỉ có việc dùng thuốc mà cần phải tạo cho bản thân một thói quen tốt trong ăn uống, trong sinh hoạt và chế độ luyện tập hợp lý”.

- Điều đầu tiên để tạo một thói quen ăn uống hợp lý cho người bệnh đái tháo đường cần hiểu rằng khi mắc bệnh đái tháo đường không có nghĩa là người bệnh phải kiêng ăn mọi thứ. Nhưng để có một chế độ ăn thích hợp cho sức khỏe thì người bị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

- Chế độ ăn uống hợp lý là: Đủ năng lượng cho hoạt động sống bình thường. Tỷ lệ thành phần các chất đạm, mỡ và đường cân đối. Đủ vi chất và chia bữa ăn cho phù hợp với thay đổi sinh lý, kết hợp với thuốc điều trị nếu có. Chế độ ăn đúng là không để tạo ra năng lượng dư thừa vì đó là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì, một trong những nguy cơ cao làm cho bệnh đái tháo đường trở nên trầm trọng hơn. Chế độ ăn đúng sẽ giúp duy trì lượng đường trong máu, không gây ra các biến chứng do tăng hay giảm đường máu.  

- Luyện tập hàng ngày mang lại cho mọi người những niềm vui, đam mê và hiệu quả phòng điều trị bệnh bất ngờ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một chế độ luyện tập hợp lý có một vai trò quan trọng trong việc giúp kiểm soát đường huyết, tăng tiêu thụ năng lượng, làm giảm nguy cơ béo phì và bảo vệ tích cực hệ thống tim mạch. Vận động thể lực cũng là giải pháp thoát ức chế về mặt tinh thần.

Tóm lại, bệnh đái tháo đường ngày nay không còn nguy hiểm nữa. Điều quan trọng là mỗi người cần có phương pháp điều trị phù hợp, thay đổi lối sống theo hướng tích cực, làm cho bệnh chậm hoặc ngưng tiến triển, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn và tăng tuổi thọ./.

Lại Thị Kim Hồng Phi - Tổ TTGDSK, TTYT huyện Thoại Sơn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang