Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Phú Tân chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ

07:28 07/12/2023

Thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát và lây lan, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Bệnh cũng đã xuất hiện và có chiều hướng tăng trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và huyện Phú Tân nói riêng. Đặc biệt, dịch xuất hiện trong trường học làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Trong những tuần qua, tại Khoa mắt – Tai mũi học – Răng hàm mặt, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và các phòng mạch bác sĩ chuyên khoa mắt trên địa bàn huyện tiếp nhận khá nhiều người dân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi Viêm kết mạc). Dù bệnh dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa sạch tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Nhiều người dân đến khám bệnh tại Khoa mắt – Tai mũi học – Răng hàm mặt, Trung tâm Y tế huyện cho biết về các triệu chứng ban đầu khi phát hiện bệnh và có người tự mua thuốc uống nhưng không khỏi, có người rất lo lắng đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi-rút, là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt. Bệnh khởi phát 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng ban đầu, bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn, khó mở mắt khi ngủ dậy. Ở trẻ nhỏ kèm viêm mũi, họng, sốt.

Bác sĩ chuyên mắt Trần Phụng Vũ, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân thông tin thêm: “Những ngày gần đây, bệnh nhân đến khám tại khoa mắt Trung tâm y tế huyện với triệu chứng chính là đỏ mắt, chiếm khoảng 70% đến 80% số lượt bệnh nhân đến khám. Qua khám, đa phần các bệnh nhân đều bị bệnh đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là bệnh lý nhẹ, ít gây biến chứng nghiêm trọng nhưng dễ lây lan cho cộng đồng. Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là dự phòng để hạn chế lây lan. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc chữa trị không đúng có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm tại mắt.”

Trước nguy cơ dịch đau mắt đỏ lan rộng trong cộng đồng, nhất là tại các trường học, huyện Phú Tân cũng chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Trong đó, Trung tâm Y tế huyện tập trung hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Phối hợp với các trường học tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên nhà trường; học sinh và phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng để người dân được biết, hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, góp phần ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bác sĩ chuyên mắt Trần Phụng Vũ, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân khuyến cáo: “Để tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ cho người khác và cũng có thể dùng để phòng ngừa nhiễm bệnh đau mắt đỏ người dân cần áp dụng các biện pháp như: Rửa tay thường xuyên. Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt: rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày: nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, ít nhất 2 lần mỗi ngày để làm sạch mắt, đồng thời giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Tránh dụi mắt bằng tay, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi-rút đi vào mắt. Nhất là khi đang sinh hoạt chung với nhóm nhiều người. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, dùng chung khăn, vật dụng cá nhân. Hạn chế tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng của người bệnh đau mắt đỏ bị nhiễm vi khuẩn, vi-rút gây bệnh. Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh như: khăn mặt, ly nước uống, chăn mền,... Đồng thời, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp như ho, hắc hơi, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay, những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.  Nên đeo kính râm khi ra đường để mắt bớt bị chói, kích thích và bảo vệ mắt. Cần bổ sung những thực phẩm cung cấp dinh dưỡng tăng đề kháng cho mắt, thực phẩm chứa vitamin C, vitamin A, vitamin E,…”

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh ít để lại di chứng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khi khỏi bệnh, dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc. Người dân và phụ huynh không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh tránh gây nên biến chứng nặng. Khi phát hiện triệu chứng đau mắt đỏ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc./.

Ds. Trần Văn Chí - TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang