Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023

12:50 19/12/2023

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV đặc biệt cao trong giới trẻ, tất cả các huyện/thành/thị có người nhiễm HIV, Số người nhiễm chiếm phần lớn là nam (hơn78%), độ tuổi phát hiện nhiều nhất là từ 20-39 tuổi (82%), nhiễm HIV lây truyền qua đường máu mà chủ yếu do tiêm chích ma túy chiếm phần lớn (72%), quan hệ tình dục là (24%), mẹ truyền sang con gần (3%). Do đó, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phải được thực hiện liên tục và phát huy hiệu quả cao, giúp người dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn về phòng, chống HIV/AIDS, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng, chống HIV cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phải chú trọng việc khuyến khích cộng đồng cùng tham gia đối thoại và tiếp nhận các thông tin hữu ích về các yếu tố lây lan của HIV/AIDS, các hành vi nguy cơ và các yếu tố làm tăng hoặc giảm các hành vi nguy cơ; thúc đẩy cùng hành động, thực hiện hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, giúp mọi người hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về HIV/AIDS, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng.

Truyền thông đại chúng: Tổ chức sản xuất và phổ biến các tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim ngắn về phòng, chống HIV/AIDS ... trên Đài phát thanh truyền hình, Đài truyền thanh cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về nội dung HIV/AIDS... Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết... trên các báo in, báo điện tử có lượng người xem lớn.

Truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội: Tăng truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus...); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, clip, phát thanh; kết nối các trang mạng xã hội của địa phương với các trang mạng xã hội của Cục Phòng, chống HIV/AIDS như: Fanpage Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam... đi thực địa hoặc gửi thông tin trực tiếp tới các phóng viên; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông y tế tại địa phương (chú ý tuyến xã và thôn bản); tập huấn truyền thông, cung cấp thông tin cho người phát ngôn và lãnh đạo đơn vị, cán bộ truyền thông các cấp, lưu ý cán bộ truyền thông trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông: Sản xuất nhân bản các tài liệu truyền thông dưới các hình thức thích hợp chuyển cho các cơ sở cung cấp dịch vụ, các tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để phân phối cho các đối tượng đích;

xây dựng và phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS qua các phương tiện và tài liệu truyền thông khác, xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ huyện, thị, thành phố, xã phường, thị trấn và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS.

Tổ chức các hoạt động mít tinh, diễu hành nhằm tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân; qua đó, giúp cho cộng đồng, xã hội nâng cao nhận thức góp phần nâng cao sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Ys. Huỳnh Phú Hội – Khoa KSBT, TTYT TP. Châu Đốc

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang