Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai - những điều cần biết

02:21 17/05/2022

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2015 của Cục y tế dự phòng thì số người mắc THA chiếm tỷ lệ 18,9% dân số trưởng thành và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Người mắc tăng huyết áp (THA) kéo dài sẽ làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống. Nếu phụ nữ mang thai bị THA không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng tiền sản giật - sản giật có thể gây tử vong ở bà mẹ và gây suy thai, thai lưu hoặc sinh non ở thai nhi.

Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô tế bào trong cơ thể. Áp lực này được tạo ra do sức cản của tim và động mạch. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu và Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp (THA) là khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg. Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2015 của Cục y tế dự phòng thì số người mắc THA chiếm tỷ lệ 18,9% dân số trưởng thành và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Người mắc THA kéo dài sẽ làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống. Nếu phụ nữ mang thai bị THA không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng tiền sản giật - sản giật có thể gây tử vong ở bà mẹ và gây suy thai, thai lưu hoặc sinh non ở thai nhi. 

Theo Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) và Hiệp hội THA Châu Âu (ESH) năm 2018 thì hiện tượng THA xuất hiện trong giai đoạn trước khi mang thai hoặc ở tuần thứ 20 của thai kỳ gọi là THA mạn tính. Tình trạng này có thể kéo dài hơn 42 ngày sau sinh, có thể xuất hiện protein niệu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các rối loạn nội tiết trong quá trình mang thai, THA xuất hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ (thường là sau 37 tuần) và trị số huyết áp về lại bình thường trong vòng 6 tuần sau sinh gọi là THA thai kỳ. Khoảng 50% trường hợp là giai đoạn đầu của tiền sản giật. Tiền sản giật (TSG) là THA phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ kèm với sự xuất hiện của protein niệu hoặc THA kèm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan đích (giảm tiểu cầu, phù phổi, suy thận, suy gan,...). Ngoài ra, còn có TSG trên nền bệnh lý THA mạn tính.

Những biến chứng nguy hiểm của THA ở phụ nữ mang thai:

*Đối với thai phụ: Tiền sản giật – Sản giật: Nếu TSG đi kèm với co giật thì được gọi là sản giật. Sản giật để lại di chứng nặng nề cho mẹ và trẻ sơ sinh, nếu nặng có thể gây tử vong; Hội chứng HELLP: Là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm khi tình trạng tiền sản giật - sản giật không được kiểm soát và nặng lên; Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ sau sinh, khả năng phục hồi chậm; Dễ gặp tình trạng THA ở những lần mang thai tiếp theo; Có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan như: Tim mạch, thận,…

*Đối với thai nhi: Thai chậm phát triển hoặc chết lưu; Sinh non: Trong một số trường hợp để bảo toàn tính mạng của mẹ và bé, bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm hơn. Điều này dẫn đến những em bé sinh non không đủ sức khỏe và có nguy cơ tử vong cao.

Những yếu tố nguy cơ gây THA ở phụ nữ mang thai: Chế độ dinh dưỡng khi mang thai không khoa học: Ăn quá mặn (>5g muối/ ngày) hoặc ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân mất kiểm soát; Thai phụ có lối sống không lành mạnh: Sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, không hoạt động thể lực; Thai phụ mắc các bệnh mạn tính khác như Đái tháo đường, Rối loạn lipid máu, Suy thận mạn,…; Phụ nữ mang thai ở độ tuổi cao trên 40 tuổi hoặc mang thai đôi, đa thai; Phụ nữ trước khi mang thai bị THA hoặc thừa cân - béo phì; Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh.

Dấu hiệu nào nhận biết huyết áp cao khi mang thai?

Tùy theo cơ địa từng thai phụ mà có những triệu chứng khác nhau, có khi không có bất cứ dấu hiệu nào. Nếu thai phụ ở  tuần thứ 20 của thai kỳ (đặc biệt là tuần thai thứ 37) có các triệu chứng dưới đây cần liên hệ ngay với bác sĩ phụ sản để được chỉ định xét nghiệm tìm protein trong nước tiểu và tầm soát huyết áp nhằm phát hiện sớm  THA thai kỳ để hạn chế tối đa tình trạng tiến triển đến biến chứng tiền sản giật - sản giật. Một số triệu chứng THA phổ biến khi mang thai: Sưng phù tay, chân; Tăng cân đột ngột; Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực thoáng qua…); Buồn nôn, nôn mửa; Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.

Tóm lại, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tầm soát THA để phát hiện bệnh kịp thời, giảm cân nặng nếu bị thừa cân - béo phì. Đối với phụ nữ mang thai (đặc biệt là những sản phụ có yếu tố nguy cơ như thừa cân béo phì, THA trước khi mang thai, tuổi cao, mắc các bệnh mạn tính khác) nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ và theo dõi huyết áp chặt chẽ nhằm phát hiện sớm tình trạng THA thai kỳ để bác sĩ sản khoa có hướng điều trị thích hợp, vì huyết áp cao ở phụ nữ mang thai nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong mẹ như là biến chứng tiền sản giật – sản giật, hội chứng HELLP và nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển hoặc thai lưu ở thai nhi./.

Bs. Trần Thị Phương Khanh - Khoa PCKLN, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang