Trong ngành sản xuất bún tươi hiện nay cũng vậy, nhiều cơ sở vì lợi nhuận đã không ngần ngại sử dụng chất tẩy trắng, chất bảo quản…vào trong sản phẩm bún tươi. Chất tẩy trắng -Tinopal là chất giúp bún tươi để được lâu, không bị khô cứng, tạo độ bóng trên bề mặt sợi bún. Đây là chất trắng quang học, được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất sơn, sản xuất vải, là loại phụ gia cấm dùng trong thực phẩm vì nó gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển và khả năng sinh sản của con người. Bên cạnh chất Tinopal nhiều cơ sở còn sử dụng thêm chất bảo quản (Natri Benzoat - E211) là chất bảo quản nhân tạo, giúp kéo dài thời gian bảo quản, đây là loại phụ gia gây hại cho sức khỏe con người, khi kết hợp với vitamin C tạo ra Benzen - chất gây ung thư.
Theo kết quả lấy mẫu thực hiện giám sát nguy cơ ô nhiễm của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh An Giang năm 2013 tại 53 cơ sở sản xuất bún trên địa bàn tỉnh An Giang, lấy 12 mẫu bún (11 mẫu bún và 1 mẫu bánh hỏi), kết quả 7 mẫu có chất tinopal và 1 mẫu không đạt chất lượng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Châu Đốc hiện có 08 cơ sở sản xuất bún và khoảng 108 hộ kinh doanh bún tươi tại các chợ. Đa số các cơ sở đều là sử dụng máy móc đã cũ, chưa có mô hình chuẩn để tạo ra sản phẩm bún tươi an toàn, đạt chất lượng cao.
Vì vậy, điều cấp thiết hiện nay đó là phải có các biện pháp để làm giảm các nguy tố nguy cơ gây ảnh hưởng chất lượng bún tươi thành phẩm, xây dựng mô hình chuẩn sản xuất bún tươi đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương.
Thành phố Châu Đốc hiện nay đang chú trọng tập trung phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch, nhiều khu du lịch tập trung rất đông du khách; những món ăn ngon, đảm bảo sạch và an toàn là một trong những yếu tố then chốt giữ chân du khách, những món ăn từ bún rất đa dạng và hấp dẫn du khách. Vì thế việc tạo ra một mô hình sản xuất bún tươi đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ thực trạng trên cho thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành sản xuất bún tươi hiện nay đang là vấn đề bức xức của xã hội cần được quan tâm và giải quyết. Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài “Khảo sát thực trạng, xây dựng mô hình cơ sở sản xuất Bún tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại thành phố Châu Đốc năm 2018 - 2019” với 2 mục tiêu:
Thứ nhất là đánh giá thực trạng các chỉ tiêu chất lượng của bún tươi và các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất bún tươi.
Thứ hai là xây dựng mô hình cơ sở sản xuất bún tươi đảm bảo An toàn thực phẩm tại thành phố Châu Đốc không sử dụng hóa chất, phụ gia (Tinopal, chất bảo quản,...) nằm trong danh mục Bộ Y tế cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Thời gian nghiên cứu từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2019 được tiến hành tại 07 phường, xã của thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Sử dụng phương pháp Nghiên cứu can thiệp, đánh giá trước sau, tiếp cận cơ sở chế biến bún tươi, kỹ thuật điều tra theo mẫu thiết kế sẵn có phân tích. Cỡ mẫu của đề tài là 8 cơ sở sản xuất bún có 24 người lao động (Trong đó: 8 Chủ cơ sở và 16 người lao động trực tiếp chế biến).
Chúng tôi mong rằng thành công của đề tài sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất bún tươi tại địa bàn thành phố Châu Đốc, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
BS. Lâm Thành Tứ
Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc
|