Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) từ huyện đến các xã, thị trấn đã được kiện toàn; 13/13 xã, thị trấn đã xây dựng và quyết liệt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, trong đợt kiểm tra dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân và Tháng hành động vì ATTP năm 2021, huyện đã thành lập 02 đoàn kiểm tra, hậu kiểm liên ngành về ATTP và các xã, thị trấn cũng đã thành lập 13 đoàn kiểm tra công tác ATTP có thành phần của Mặt trận tổ quốc và các đơn vị thành viên tham gia. Kết quả, đã kiểm tra được 25 cơ sở sản xuất, 43 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 52 cơ sở dịch vụ ăn uống; nhắc nhở 120 cơ sở, chủ cơ sở tự hủy 35 hộp mì omachi hết hạn sử dụng; thực hiện 66 test nhanh thực phẩm.
Kiểm tra VSATTP Tết Nguyên đán
Kiểm tra VSATTP Tháng hành động
Song song với việc kiện toàn Ban chỉ đạo, Huyện còn đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền về ATVSTP với nhiều hình thức: Phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân huyện tuyên truyền pháp luật về ATVSTP tại các cuộc họp, hội nghị; Phối hợp Trung tâm Văn Hóa – Thể thao và Truyền thanh thực hiện phát thanh hàng tháng và dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATVSTP; Phối hợp Phòng Văn Hóa treo băng-ron tuyên truyền dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATVSTP; cấp phát tờ gấp tuyên truyền ATVSTP cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; Duy trì thực hiện công khai đường dây nóng về ATTP trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATTP.
Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý của các ngành, các xã, thị trấn thường xuyên triển khai vận động và yêu cầu các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm và hộ gia đình thực hiện đăng ký, cam kết sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm an toàn. Đến nay, 100% cơ sở thuộc diện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được hướng dẫn thủ tục, quy trình và các điều kiện để thẩm định và cấp giấy theo quy định của pháp luật. 100% các cơ sở thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể do tuyến huyện quản lý được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP; 95% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể do tuyến xã quản lý ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP. Trong năm 2021, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên 30 người, không có tử vong và dịch bệnh truyền qua thực phẩm được kiểm soát.
Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về vấn đề ATVSTP; tăng cường công tác giám sát sau kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của đường dây nóng về ATTP nhằm tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin phản ánh, tố giác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm triển khai công tác truyền thông, tập huấn, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại các trường học, các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn./.
Nguyễn Ngọc Tú Anh - TTYT Châu Thành
|