Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

An ninh dinh dưỡng mùa đại dịch COVID-19

10:35 01/11/2021

Kể từ tháng 03/2020, đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh đã nhấn chìm thế giới trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, không những đã làm mất an ninh dinh dưỡng mà còn gia tăng trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Nhưng đồng thời, bối cảnh dịch bệnh cũng khiến nông dân phải vứt bỏ một lượng lớn nông phẩm vì thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cuộc khủng hoảng dẫn đến “Thất thoát và lãng phí lương thực” kết quả là 155 triệu con người đẩy đến bờ vực của nạn đói. Trong đó đa phần là trẻ em.

An ninh lương thực thực phẩm được hiểu là “tính sẵn có”, “tính dễ tiếp cận” và "sử dụng" đủ thực phẩm cho bữa ăn. Bữa ăn đủ năng lượng nhưng thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cũng không được vì làm suy giảm miễn dịch, tăng bệnh tật tăng nguy cơ về sức khỏe; Các nhà chuyên môn gọi đó là mất an ninh dinh dưỡng.

Đại dịch COVID-19 làm chuỗi cung ứng phân phối tiếp cận thực phẩm bấp bênh và làm thay đổi chất lượng bữa ăn. Cuộc khủng hoảng thực phẩm ngoài các yếu tố thường gặp như thiếu nguồn cung (như thu nhập, thiên tai, sự sẳn có của lương thực) thì dịch bệnh xảy ra là xuất hiệu nhiều yếu tố mới như tiếp cận đa dạng thực phẩm bị hạn chế (sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm đặc biệt bị xáo trộn do thiếu nhân công thu hoạch và bán sản phẩm, cũng như hoạt động xuất khẩu giảm sút, các nhà hàng, chợ, căn-tin… đóng cửa). Trong khi đó, người tiêu dùng lại mua nhiều thực phẩm khô và sản phẩm đông lạnh hơn trong các siêu thị, giảm tiêu dùng sản phẩm tươi như thịt, cá, trái cây và rau quả.

Điều này làm cho chúng ta vừa mất an ninh lương thực và mất an ninh dinh dưỡng nên cần bổ sung các giải pháp mới ngoài các giải pháp chống đói, chống suy dinh dưỡng truyền thống.

6 giải pháp để giải quyết vấn đề:

1. Tăng cường hiểu biết cảnh giác về nguy cơ mất an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.

2. Đảm bảo sẵn có lương thực, thực phẩm đủ số lượng và chất lượng thích hợp; tận dụng thực phẩm tại địa phương và ưu tiên cho người già, trẻ em và bà mẹ.

3. Thực hiện sản xuất vườn ao chuồng tại các sân vườn nhà, cung cấp rau tươi, tạo nguồn thực phẩm sẵn có tại hộ gia đình phòng tránh thiếu vi chất dinh dưỡng.

4. Xây dựng thực đơn cho bữa ăn gian đình đề phòng khi cách ly, phong tỏa hay gián đoạn cung ứng thực phẩm trong thời gian 2-3 ngày. Lên kế hoạch mua sắm và chuẩn bị bữa ăn trước, bảo quản thực phẩm tốt hơn dựa theo hạn sử dụng, nấu ăn với các nguyên liệu có sẵn hoặc thậm chí là chế biến lại từ thức ăn còn thừa …

5. Cảnh báo, cảnh giác và có kế hoạch tăng tiếp cận lương thực thực phẩm bảo đảm an ninh dinh dưỡng và an ninh thực phẩm. Ổn định giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

6. Khẩn cấp: Hiện nay vào mùa mưa bão chúng ta cần có kế hoạch đối phó trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, thảm họa để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân thông qua hệ thống dự trữ nhà nước, khi mà không thể mua sắm, cung cấp vật phẩm thiết yếu thông qua thương mại bình thường./.

BS. Lê Minh Uy - Phó Giám đốc, Trung tâm KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang