Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày Tết - còn đó nổi lo an toàn thực phẩm

08:22 10/01/2023

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều gia tăng việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm. Trong dịp này, chúng ta có thể thấy ngay các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ thì cũng có không ít các loại hàng hóa như thịt, bánh, mứt, kẹo… được nhập lậu tràn lan. Trong đó có một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

 

Cụ thể trong tháng 10 và 11/ 2022, các cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy hàng tấn thịt, nội tạng động vật gần 3 tấn thịt và mỡ lợn đã bốc mùi hôi thối; ngoài ra còn  phát hiện 450kg nấm bốc mùi hôi nồng nặc được đựng trong 7 bao tải. Ngày 17-11 bắt quả tang một cơ sở giết mổ hơn 2,2 tấn gà chết, bán cho một số cơ sở làm giò, chả. Gần đây nhất, ngày 6/1/2023  tiếp tục phát hiện một chủ cơ sở sản xuất giò chả có hành vi sơ chế, tập kết, kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo báo cáo, chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022 đã phát hiện 6.101 cơ sở vi phạm, xử phạt 1.046 cơ sở với tổng số tiền gần 15,5 tỷ đồng, tịch thu/tiêu hủy 17.481 kg và 140.065 đơn vị sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng,  không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở; chuyển cơ quan điều tra xử lý 8 cơ sở, đang tiếp tục xử lý 1 cơ sở, nhắc nhở 5.053 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến không ATTP, đó là: do tồn dư các loại hóa chất độc hại; do nhiễm lẩn các loại vi sinh vật gây bệnh trong quá trình chế biến, bảo quản, lưu thông hàng hóa; do sử dụng không đúng cách các loại phụ gia, phẩm màu nhằm làm tăng thời gian sử dụng và độ hấp dẫn của thực phẩm; do sử dụng các loại thực vật, động vật mà bản thân nó đã nhiễm độc trong nuôi trồng như: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh... Thậm chí, còn do những người kinh doanh thực phẩm còn sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt cá ôi thối rồi đem tiêu thụ. Đó là một trong những lý do gần đây liên tục xảy ra ngộ độc tại một số bếp ăn tập thể như Trường học, nhà hàng, quán ăn bình dân hay cơ sở tư nhân nuôi trẻ. Theo thống kê, trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. 

Những thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, thực phẩm không an toàn chất lượng, thực phẩm nhiễm bẩn về phương diện sức khỏe, trước mắt sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ gây ra bệnh tật với biểu hiện nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu. Nếu nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, mật, thần kinh… đe dọa tới sức khỏe. Về lâu dài, khi tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến bệnh nan y khó chữa như ung thư mật, gan, dạ dày, ruột, thậm chí gây cả vô sinh. Vào ngày tết, bên cạnh lựa chọn thực phẩm an toàn, khâu bảo quản và chế biến người tiêu dùng cũng cần quan tâm. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Cần lưu ý khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu. Các thức đã chín tránh để gần các đồ ăn tươi sống. Khi lấy thực phẩm đã chế biến ra ăn cần nấu lại thật sôi. Bảo quản kỹ càng nhóm thực phẩm ăn lạnh như Pa tê, chả lụa  thì sẽ hạn chế được nguy cơ ngộ độc. Tuy nhiên, tốt nhất không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày tết vì làm thức ăn kém ngon, dễ hỏng gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, trong khẩu phần ăn ngày tết không nên dung nạp quá nhiều đồ ăn mặn, thức ăn có nhiều dầu mỡ, các loại dưa muối, những loại thực phẩm chế biến sẵn.

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Vào những dịp tết mức tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng cao; vì vậy, thực phẩm không an toàn sẽ có dịp xâm nhập trên thị trường và luôn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch nhằm thu hút người tiêu dùng. Vây, mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn nhà sản xuất. Không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái Tết vui tươi, an toàn và hạnh phúc./.

                                                                                              Nguyễn Minh Thời

                                                                                                 TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang