Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Dinh dưỡng ngày Tết

03:17 03/02/2023

Mâm cỗ miền Trung do nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện - Ảnh N.BÌNH

1. Tết - nhịp sống thay đổi tác động đến bữa ăn mất cân bằng không hợp lý

Ông cha ta từ ngàn xưa đã rất chú ý đến chế độ ăn uống trong những ngày Tết sao cho đủ về chất lẫn lượng mà còn có được cảm giác ngon miệng mà ngày nay chúng ta thường gọi đó là chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Ăn gì để an toàn, ăn gì để đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình, ăn như thế nào để có một chế độ khoa học cho người mắc các bệnh mạn tính? Các nhà dinh dưỡng khuyên “ngày Tết là mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 70 - 80% lượng thức ăn so với bình thường, chia làm nhiều bữa, tối đa 4 - 5 bữa ăn mỗi ngày, không nên ăn quá no, uống quá say và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

2. Các món ăn Tết thường thiếu độ tươi, xanh; thiếu chất xơ dư chất béo và thừa năng lượng

Các món ăn ngày tết thường tạm chia 4 nhóm: 1. Bánh trưng, bánh tét; 2. Các món thịt nguội, giò chả, 3. Thịt kho nhiều muối 4. Các loại bánh mứt, nước ngọt và rượu bia. Điểm chung của 4 nhóm này là làm mất căn bằng dinh dưỡng bữa ăn vừa thừa năng lượng vừa gậy hại sức khỏe và thức đẩy các bệnh mãn tính.  Bánh trưng bánh tét thường không tốt cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và đái tháo đường (ĐTĐ), vì có nhiều chất béo động vật không có lợi cho sức khỏe. Thịt nguội, giò chả chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe; chưa kể phụ gia độc hại hàn the (tạo độ giòn) hại thận, hại gan.  Thịt kho trứng là món ăn hầu như không thiếu trong ngày Tết nhưng chứa nhiều mỡ động vật không tốt nên đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp hay bệnh lý gan mật. Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao nên dễ gây tăng đường huyết nên không thích hợp cho BN ĐTĐ. Các thức uống trong những ngày Tết, đa số là nước ngọt và rượu, bia nên ướng nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe.

3. Để bảo đảm cân bằng dinh dưỡng cho cả gia đình trong dịp Tết, bạn nên làm gì?

Một là có kế hoạch du xuân ăn gì uống gì, chúc gì, chơi đâu.

Hai là phối hợp các món ăn hợp lý để đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho mọi thành viên trong gia đình.

Ba là Ăn uống điều độ ngày tết. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và người già. Ngày Tết, giờ giấc sinh hoạt gia đình thường bị thay đổi. Nhiều trẻ ham chơi nên thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa sẽ khiến trẻ thiếu chất, sụt cân. Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa, nên bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa cho trẻ.

Người cao tuổi hay mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa ... Vì vậy, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người cao tuổi rất cần được chú ý, để duy trì các bệnh ổn định. Điều quan trọng nhất là người cao tuổi cần ăn uống đúng giờ, đủ chất và tuyệt đối không bỏ bữa.

4. Bảo quản thực phẩm đúng cách vào dịp Tết

- Thực phẩm khi cất vào tủ lạnh nên được chia thành những phần vừa đủ 1 lần ăn, phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm, khi lấy ra nên đun nóng lại ngay và sử dụng hết phần thực phẩm đó.

- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ tủ lạnh tăng cao, ảnh hưởng đến các thức ăn xung quanh.

- Sau khi nấu chín, các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu cần làm nguội nhanh và không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

- Khi hâm nóng thức ăn, hãy đảm bảo thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, hãy đảo trộn thức ăn để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng vội lấy ra ngay, hãy để chúng trong lò khoảng 3 phút rồi mới lấy ra.

Tóm lại, không có thức ăn xấu, không có thức ăn tốt. Thức ăn tốt hay xấu là phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải, đảm bảo đủ 3 bữa chính trong ngày. Chế độ dinh dưỡng an toàn ngày Tết được các chuyên gia dinh dưỡng kiến nghị là hạn chế ăn thực phẩm nhiều năng lượng, hạn chế bia rượu, cân bằng chế độ dinh dưỡng bằng việc bổ sung khoáng chất, vitamin và chất xơ./.

Ths.Bs Lê Minh Uy - Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang