Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm

03:50 07/03/2023

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, quyền được sử dụng thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của mỗi công dân. Trong cuộc sống hàng ngày, việc chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm là những hoạt động rất quen thuộc và không thể thiếu.

Tuy nhiên, quá trình chế biến, bảo quảntiêu dùng thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là một nguy cơ không thể bỏ qua. Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm vi khuẩn, nấm độc, virus, các hợp chất hoá học, các chất độc có trong thực phẩm và các tác nhân gây bệnh khác.

Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và sốt. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bị ngộ độc thực phẩm có thể gặp các triệu chứng như co giật, mất cảm giác, Hậu quả của ngộ độc thực phẩm có thể làm suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các biện pháp sau đây có thể được áp dụng:

a. Chọn mua thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn

Ngành Nông nghiệp tập trung triển khai nhiều giải pháp để tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2023 (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: B.T)

Chọn mua những loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn. Khi mua thực phẩm, cần kiểm tra hạn sử dụng, xuất xứ và nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nên mua thực phẩm từ các cửa hàng uy tín, đáng tin cậy để tránh mua phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.

b. Chế biến thực phẩm đúng cách

Chọn lựa và nấu kỹ thực phẩm là 2 nguyên tắc đầu tiên cần nhớ khi chế biến món ăn (Ảnh: Internet)

Chế biến thực phẩm đúng cách là một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Trong quá trình chế biến thực phẩm, nên sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo vệ cá nhân như: mũ, khẩu trang, găng tay, áo choàng bảo vệ và giày bảo hộ. Khi chế biến thực phẩm, cần đảm bảo rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến, nấu chín, đun sôi hoặc nướng đủ nhiệt độ để tiêu diệt vi khuẩn và nấm độc. Ngoài ra, khi chế biến thực phẩm, cần đảm bảo dụng cụ, bề mặt hay đồ dùng không bẩn để tránh nhiễm vi khuẩn và nấm độc vào thực phẩm.

c. Bảo quản thực phẩm đúng cách

Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản riêng biệt.

Bảo quản thực phẩm đúng cách cũng là một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Khi bảo quản thực phẩm, cần đảm bảo thực phẩm được bảo quản trong nhiệt độ thích hợp và tránh để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Ngoài ra, cần đảm bảo các thực phẩm được bảo quản riêng biệt để tránh gây nhiễm khuẩn cho nhau.

d. Đảm bảo vệ sinh an toàn khi tiêu thụ thực phẩm

 

Khi tiêu thụ thực phẩm, cần đảm bảo vệ sinh an toàn. Trước khi sử dụng, nên kiểm tra thực phẩm để đảm bảo rằng chúng không bị nhiễm độc. Nếu phát hiện thực phẩm bị nhiễm độc, chúng phải được loại bỏ ngay lập tức. Nên sử dụng các dụng cụ sạch để tiêu thụ thực phẩm.

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không chỉ là nỗi lo riêng của từng cá nhân mà trở thành vấn đề chung của toàn xã hội, nhất là sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo nhu cầu phục vụ ăn uống tại chỗ trong môi trường đông người tăng cao.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh An Giang 354 bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp, cụm, khu công nghiệp và trường học. Các bếp ăn tập thể này có các hình thức phục vụ khác nhau như: Ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp của các công ty có giấy phép kinh doanh sản xuất thực phẩm hoặc doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn để phục vụ công nhân, học sinh.

Để đảm bảo ATVSTP trong các bếp ăn tập thể hiện nay, cần tổ chức thực hiện 04 vấn đề sau:

Trước hết là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành gồm: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ban, ngành liên quan nhằm quản lý chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thông qua hệ thống kiểm soát cả chuỗi cung cấp thực phẩm, để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thứ hai là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Vì hiện nay, công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế với lực lượng mỏng, không thể tổ chức kiểm tra thường xuyên các bếp ăn tập thể, trong khi đó ngày càng có nhiều dịch vụ bếp ăn tập thể. Vì vậy, cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp, trường học để họ hiểu rõ sức khỏe của người lao động, học sinh chính là tài sản, lợi nhuận, yếu tố quyết định thành công của đơn vị mình. Từ đó, có trách nhiệm xây dựng bếp ăn tập thể đúng quy chuẩn như định kỳ kiểm tra sức khỏe cho nhân viên; không nhập nguyên liệu kém chất lượng; thường xuyên vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ trong sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm nâng cao giá trị khẩu phần ăn,…

Thứ ba, vai trò người trực tiếp chế biến tại các bếp ăn tập thể phải là những người được đào tạo cơ bản về ATTP và luôn có ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm.

Thứ tư, vai trò người tiêu dùng, ở đây muốn nói đến người lao động trong các doanh nghiệp và học sinh tại các trường học bán trú cần có sự hiểu biết hành động đúng, thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh khu vực ăn uống, đặc biệt cần giám sát chất lượng bữa ăn của mình và không sử dụng những sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội. Việc xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm cũng rất tốn kém nhiều nguồn lực và gây áp lực cho các cơ quan chức năng.

Tháng hành động ATTP năm 2023, ngoài thực hiện nhiệm vụ theo chủ đề của Trung ương, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP sẽ tập trung các mục tiêu chính là tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua công tác truyền thông và đưa tin về các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đến với người tiêu dùng. Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý các vi phạm về quảng cáo thực phẩm cũng được đẩy mạnh nhằm kịp thời các xử lý các sai phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường hoạt động hậu kiểm, lấy mẫu giám sát,... nhằm giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là điểm nhấn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm và phải được thực hiện xuyên suốt và quyết liệt.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, yêu cầu các bếp ăn thực hiện đúng quy định đảm bảo ATTP; công đoàn ở các doanh nghiệp, trường học phát huy vai trò giám sát tại các bữa ăn đảm bảo chất lượng bữa ăn đi đôi với ATVSTP bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực làm việc tại các bếp ăn đảm bảo các tiêu chí về sức khỏe, kiến thức, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; lựa chọn và ký kết hợp đồng cung cấp với những hộ sản xuất, cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, giấy chứng nhận an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhất là đối với các loại rau, củ, quả. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, trường học cũng tiếp tục cân đối để tăng mức chi cho suất ăn nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, người lao động,...

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang