Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Sở Y tế An Giang: Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum.

08:40 11/04/2023

Vào ngày 10/4/2023, Ông Phan Vân Điền Phương–Phó Giám đốc Sở Y tế đã ký ban hành Công văn số 790/SYT-NVY gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh đa khoa công lập và tư nhân và Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum.

Clostridium botulinum (C.botulinum) là một vi khuẩn hình que, Gram dương, sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố.

Cụ thể:

Thực hiện công văn số 643/ATTP-NĐTT ngày 29/3/2023 của Cục An toàn thực phẩm về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum.

Trong thời gian vừa qua trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó đã có trường hợp tử vong. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai các nội dung sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum cho cộng đồng; đặc biệt chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

2. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt; Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

3. Tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, điều tra xác định nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết cần kết nối hội chẩn liên viện, bệnh viện tuyến trên để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

4. Các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ động phối hợp, tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về Cục An toàn thực phẩm theo quy định tại Công văn số 643/ATTP-NĐTT.

 

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt;

2. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

3. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang