Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch COVID-19

02:28 24/05/2022

Ngành y tế là một ngành lao động đặc thù trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân với cường độ làm việc cao. Nhân viên y tế (NVYT) làm việc tại các cơ sở y tế phải trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, ngoài ra còn tham gia công tác phòng chống dịch bệnh nên thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, NVYT có thể tiếp xúc với những rủi ro về vấn đề “an toàn, vệ sinh lao động” (ATVSLĐ), có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, bị chấn thương và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt trong bối cảnh ngành Y tế đã và đang đối phó với đại dịch COVID-19.

Ngày 05/4/2022 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 838/QĐ-BYT về việc “Hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch COVID-19” với mục tiêu cung cấp các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ để giảm thiểu nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên tại các cơ sở y tế trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, việc phân loại người lao động có nguy cơ gặp rủi ro về vấn đề ATVSLĐ trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy trình, hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được phân thành 06 nhóm, như sau:

- Nhóm 1 - Điều tra dịch tễ tại cộng đồng (truy vết): là những NVYT thực hiện nhiệm vụ truy vết người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng.

- Nhóm 2 - Lấy mẫu và xét nghiệm nhanh tại cộng đồng: là những NVYT lấy mẫu bệnh phẩm tỵ hầu ở người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 và/hoặc làm xét nghiệm nhanh tại chỗ trong các khu vực lấy mẫu của các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, trên xe xét nghiệm di động, tại cộng đồng/nhà dân…

- Nhóm 3 - Làm xét nghiệm: là những NVYT làm việc tại các phòng xét nghiệm, Khoa vi sinh, Khoa xét nghiệm và làm xét nghiệm tất cả bệnh phẩm (đường hô hấp trên và dưới, máu, huyết thanh,…) của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

- Nhóm 4 - Trực tiếp điều trị, chăm sóc, phục vụ, chuyên chở bệnh nhân COVID-19 và vận chuyển, xử lý, khâm liệm tử thi, giám định pháp y tử thi, người nhiễm SARS-CoV-2.

- Nhóm 5 - Làm việc trong các khu vực khám, chữa bệnh thông thường; khám sàng lọc, tư vấn; khu cách ly tập trung; chuyên chở người nghi nhiễm SARS-CoV-2.

- Nhóm 6 - Làm việc tại Trạm Y tế xã/phường/thị trấn lưu động (Trạm Y tế lưu động): là những NVYT chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm COVID-19; tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19; truyền thông về COVID-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.

Các vấn đề rủi ro ATVSLĐ như: lây nhiễm COVID-19 khi làm việc; viêm da và căng thẳng nhiệt do phải mặc phương tiện bảo vệ cá nhân trong thời gian dài và trong thời tiết nóng nực; tiếp xúc với hóa chất khử khuẩn do tăng tần suất sử dụng; mệt mỏi kéo dài; bị bạo hành, kỳ thị, phân biệt đối xử; bị căng thẳng tâm lý; đau mỏi cơ xương khớp; điều kiện công trình vệ sinh, phúc lợi không đầy đủ hoặc không đảm bảo an toàn…

Để đảm bảo ATVSLĐ, người sử dụng lao động và người lao động cần phải thực hiện kết hợp đồng bộ các biện pháp toàn diện về phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm; quản lý lực lượng nhân viên y tế… Một số biện pháp cần thiết đảm bảo ATVSLĐ cho NVYT, cụ thể như sau:

- Chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về ATVSLĐ chung và ATVSLĐ trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Ảnh: Thực hiện phòng hộ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

- Tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về ATVSLĐ; thực hiện sàng lọc và xét nghiệm các bệnh liên quan đến nghề nghiệp theo quy định.

Ảnh: Tham dự tập huấn cách lấy mẫu và test nhanh COVID-19

- Thực hiện báo cáo đầy đủ khi tiếp xúc gần với các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 và khi có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19; khi có nguy cơ hoặc bị bạo hành, quấy rối; khi có các biểu hiện căng thẳng và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

- Tham gia tiêm ngừa đầy đủ vắc xin COVID-19 và tiêm phòng các bệnh lây nhiễm nghề nghiệp khác; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, vì NVYT là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp.

- Người sử dụng lao động cần: tổ chức khám trước khi bố trí việc làm và khi chuyển đổi đến vị trí làm việc có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp; bố trí thời gian phù hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Người lao động cần sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với vị trí việc làm và đúng kích cỡ.

- Ăn đủ chất và uống đủ nước mỗi ngày dự phòng căng thẳng nhiệt và mệt mỏi; thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe như thể dục, thể thao, lối sống lành mạnh,…/.

Ths.Bs Từ Lan Vy – Khoa SKMT, YTTH, BNN, TTKSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang